40 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế và những “thành tích vàng“

Vũ Phong (tổng hợp) Thứ tư, ngày 16/07/2014 06:40 AM (GMT+7)
40 năm tham dự IMO đã mang về cho Việt Nam rất nhiều vinh quang và những cá nhân xuất sắc.
Bình luận 0

IMO là từ viết tắt tiếng Anh của cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế (International Mathematical Olympiad). Đây là một kì thi Toán học cấp quốc tế hàng năm dành cho học sinh trung học phổ thông.

Kì thi IMO đầu tiên được tổ chức tại Rumani năm 1959 với sự tham gia của 7 quốc gia Đông Âu là chủ nhà Rumani, Bulgaria, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Ba Lan và Liên Xô.

Từ thập niên 1970, số lượng các đoàn tham gia bắt đầu tăng lên nhanh chóng và IMO thực sự trở thành một kì thi quốc tế về Toán dành cho học sinh. Kì thi được tổ chức liên tục hàng năm, trừ duy nhất năm 1980.

Bắt đầu tham dự IMO vào năm 1974, tính đến nay Việt Nam đã trải qua 37 kì IMO (riêng 2 năm 1977 và 1981 là không tham gia).

img

 
Lễ khai mạc kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Việt Nam.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

Sau 37 lần tham gia thi Olympic Toán quốc tế, Việt Nam có tổng cộng 223 lượt học sinh đã dự thi với số giải giành được là 207, thường xuyên được xếp trong top 10 nước có thành tích tốt nhất tại IMO.

Cho đến nay đã có 5 thí sinh Việt Nam từng 2 lần giành huy chương vàng liên tiếp, đó là: Ngô Bảo Châu tại IMO 1988 (42 điểm) và 1989 (40 điểm); Đào Hải Long tại IMO 1994 (41 điểm) và 1995 (40 điểm); Ngô Đắc Tuấn tại IMO 1995 (42 điểm) và 1996 (37 điểm); Vũ Ngọc Minh tại IMO 2001 (33 điểm) và 2002 (35 điểm); và Lê Hùng Việt Bảo tại IMO 2003 (42 điểm) và 2004 (36 điểm).

Mới đây nhất, Phạm Tuấn Huy - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM lần thứ hai giành huy chương vàng tại IMO 2014.

IMO là nơi Việt Nam phát hiện ra những cá nhân xuất sắc trên lĩnh vực toán học. Rất nhiều người đã trưởng thành từ những cuộc thi toán học này.

Lê Bá Khánh Trình (sinh năm 1963) là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia Olympic Toán Quốc tế ở Luân Đôn năm 1979, khi đó ông là học sinh tại lớp chuyên toán trường Quốc học Huế. Ông đã đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này, và là học sinh Việt Nam duy nhất đạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế tính đến nay. Ông đã lấy bằng tiến sĩ toán học ở trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov ở Moskva. Hiện nay, ông phụ trách đào tạo học sinh đội tuyển toán của Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Lê Hùng Việt Bảo (sinh năm 1986) là một trong ba thí sinh giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối (42/42) IMO lần thứ 44 tại Tokyo, Nhật Bản. Bảo đã được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2003 của Việt Nam. Ba năm liền Bảo đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất ngành Toán toàn Đại học Cambridge danh tiếng của Vương quốc Anh. Hiện nay Bảo đang làm nghiên cứu sinh tại khoa Toán đại học Harvard, Hoa Kỳ.

img

 GS Ngô Bảo Châu - nhà toán học nổi tiếng thế giới của Việt Nam (Ảnh:Thanh Niên)

Đặc biệt là Ngô Bảo Châu - nhà toán học nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán.

Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields. Tính đến năm 2010, ông là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong học hàm giáo sư. Hiện ông đang giảng dạy tại ĐH Chicago (Mỹ) - một trong những trường đại học tên tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem