400 triệu USD đầu tư hạ tầng cho vùng trồng lúa giảm phát thải tại ĐBSCL
400 triệu USD đầu tư hạ tầng cho vùng trồng lúa giảm phát thải tại ĐBSCL
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 30/10/2023 17:10 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết, trước hết sẽ hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ carbon, thứ hai là hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng lúa giảm phát thải theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 400 triệu USD đầu tư hạ tầng cho vùng trồng lúa giảm phát thải
Hôm nay 30/10, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Tại đây, Thứ tưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thông tin, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và cả ở New York (Mỹ) đều khẳng định, sẽ hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
"Cách nay 2 tuần, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết, trước hết sẽ hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ carbon, thứ hai là hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng trồng lúa giảm phát thải theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL" - ông Nam nói.
Ông Nam còn cho biết, tổ chức tài chính của Ngân hàng Thế giới cũng đồng ý sẽ có cơ chế cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, tuy nhiên phải có điều kiện, tiêu chí.
Không chỉ Ngân hàng Thế giới mà các tổ chức quốc tế khác cũng tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo Thứ tưởng Bộ NNPTNT, vừa qua, trong hội nghị lúa gạo quốc tế do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức, khi Việt Nam trình bày đề án nói trên, đại biểu các nước đều thống nhất cao và ủng hộ đề án đầu tiên trên thế giới về giảm phát thải.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT thông tin, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11 tới. Ngay sau đó, đề án sẽ triển khai thực hiện ở vụ Đông Xuân 2023-2024 với diện tích 180.000ha tại ĐBSCL.
Dự kiến sẽ có 1 triệu hộ dân sẽ hưởng lợi nhuận gia tăng không phải ở sản phẩm từ cây lúa mà chính từ bán thương hiệu giảm phát thải. Để đạt được mục tiêu nói trên, cần nhiều doanh nghiệp tham gia đề án, triển khai nhiều dịch vụ giúp cho bà con nông dân.
Ông Nam nói thêm, xu hướng giảm phát thải không chỉ đối với sản xuất lúa mà đối với cả thủy sản, trái cây. Không lâu nữa, thế giới sẽ có thương hiệu về giảm phát thải. "Riêng Châu Âu đã bắt đầu phải đóng thuế giảm phát thải cho một số sản phẩm vào đây. Không lâu nữa, các sản phẩm vào châu Âu phải có thương hiệu giảm phát thải" - ông Nam thông tin.
Doanh nghiệp nên đầu tư ngay vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp của ông làm mô hình cánh đồng mẫu lớn từ năm 2012 đến nay. Đây là tiền đề để xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL mà Bộ NNPTNT triển khai.
Ông Bình nhấn mạnh: "Hãy đầu tư ngay vào đề án, dù chưa được phê duyệt nhưng sắp rồi. Nếu thực hiện được như đề án thì sẽ thay đổi được đời sống nông dân, kiên trì theo đuổi sẽ rất thành công".
"Đề án sẽ mang về 13 triệu tấn lúa, tương đương 7 triệu tấn gạo, với giá bán 800 USD/tấn sẽ mang về 5,6 tỷ USD. Do vậy nên đầu tư" - ông Bình phân tích.
Theo kế hoạch được đưa ra của đề án, đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 500.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân của người dân đạt trên 35%.
Đến năm 2030, ĐBSCL sẽ đạt 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân của người đạt trên 35%, lợi nhuận bình quân của người dân đạt trên 40%.
Cũng đến năm 2030, người dân sẽ giảm lượng lúa giống xuống chỉ còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới trên 30%, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 7%, giảm phát thải khí nhà kính trên 20%...
Lúc này, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn (chiếm 30% sản lượng gạo trong vùng đề án).
Đối với nông dân tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng), được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa.
Hợp tác xã tham gia liên kết tham gia vào đề án được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng, được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo.
Về phía doanh nghiệp, nếu tham gia sẽ được hỗ trợ vay ngân hàng cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến, được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn carbon thấp...
Mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL là giảm 20% chi phí sản xuất, góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa). Thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.
Với mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% góp tăng doanh thu từ bán lúa 7.000 tỷ đồng/năm.
Như vậy, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và do tăng giá bán. Ước tính 1 triệu ha lúa chất lượng cao, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.