Trên thực tế con số đã không dừng lại ở đó. Và, có vẻ như sự chịu đựng của hệ thống DN, doanh nhân Việt Nam trước lãi suất vay vốn quá cao thời gian qua đã tới ngưỡng, hàng loạt DN, đặc biệt là DN lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, đang lên tiếng kêu cứu rằng ngay cả vốn vay với lãi suất cao vẫn rất khó khăn, hầu như tất cả các ngân hàng (NH) đều không muốn cho vay.
Hôm 5.12, ông Cao Sĩ Kiêm – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – sau khi khẳng định “đích mà chúng ta cần đạt được lúc này là việc làm và thu nhập cho người lao động” đã đề nghị nên sớm giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay, vì với lãi suất cao như hiện nay thì sản xuất sẽ co cụm, hàng hoá khan hiếm, DN không thể làm ăn có lãi.
Trong khi Chính phủ và các chuyên gia đang tìm lời giải bài toán hạ lãi suất thì rất nhiều DN lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở đã rơi vào tình trạng phá sản trong im lặng do bị NH cắt vốn vay. Việc Giám đốc Công ty Đông Hưng (chuyên về xây dựng) ở Quảng Trị vừa bỏ trốn cùng vợ con, để lại những món nợ tại các NH và vay nóng chỉ mới là một điển hình, báo động đỏ của tình trạng không thể “im lặng” thêm được nữa mà thôi.
Chính quyền các địa phương phải chủ động lên danh sách, kiểm kê, phân loại, theo dõi toàn bộ hệ thống DN kiểu này để kịp thời có ngay những giải pháp cụ thể, linh động nhằm giải cứu, hạn chế tới mức thấp nhất kiểu phá sản bỏ trốn mang tên Đông Hưng.
Các chủ đầu tư phải công khai chính xác nguồn tiền và khả năng sẽ thanh toán được cho các nhà thầu thi công, và có sự phối hợp, cam kết trách nhiệm với các tổ chức tín dụng, bằng cách đó các DN sẽ có cơ hội tiếp tục được giải ngân vốn vay cho các công trình nằm trong danh mục được phép đầu tư để hoàn thành. Khoá trái cửa lại, mặc kệ DN tự bơi rồi chết tức tưởi trong tình cảnh này cũng là vô lương tâm.
Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố đang tính toán thời điểm và mức giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ - đó là tín hiệu mang lại niềm vui, niềm tin cho cộng đồng DN.
Vấn đề là, cũng không thể tính toán quá lâu khi mà công ăn việc làm của người lao động đang đình trệ vì DN, ông chủ không có vốn hoặc là không dám vay vì không biết làm gì ra lãi lớn hơn lãi vay phải trả, khi mà cái chết của nhiều DN đang được tính bằng ngày.
Con số 48.700 và hơn thế DN không còn gì để mất cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách vĩ mô. Bởi, đằng sau sự phá sản của mỗi DN là quá nhiều điều để mất!
Lâm Chí Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.