“5 có - 5 không” đánh bật cây thuốc phiện ở vùng cao Thuận Châu

Nguyễn Văn Chiến Thứ sáu, ngày 19/10/2018 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều năm trước, cụm xã vùng cao huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) là địa bàn phát triển rất mạnh cây thuốc phiện với những phận đời tăm tối bởi đói nghèo, lạc hậu và du canh du cư... Nhưng hôm nay, cũng chính trên mảnh đất này, sắc màu cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn...
Bình luận 0

Quá khứ đắng cay

Cụm xã vùng cao huyện Thuận Châu bao gồm 5 xã: Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám, É Tòng, Co Tòng. Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ - ông Sùng Chờ Nó tâm sự: Cụm xã vùng cao này xưa nay “nổi tiếng” bởi xa xôi cách trở, đói nghèo, lạc hậu và du canh du cư. Người vùng cao Co Mạ đã từng “vác nhà trên lưng ngựa” du cư đến nhiều miền trong nước. Nguyên nhân sâu xa của sự đói nghèo lạc hậu ấy có một phần không nhỏ bởi tệ nạn trồng cây thuốc phiện và sử dụng nhựa thuốc phiện.

img

Trên chính vùng đất từng trồng cây thuốc phiện ở Long Hẹ năm xưa, nay được nông dân hình thành những trang trại cây ăn quả, rừng sản xuất với thu nhập lớn...  Ảnh: V.C

"Giờ ở bất cứ xã nào, bản nào cũng có những gương nông dân làm ăn giỏi; những nương, những vườn cây trái hay trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn. Lạc hậu được đẩy lui, đói nghèo được xóa bỏ nên đời sống con người cũng khá lên rất nhiều”.

Ông Sùng Chờ Nó

“Khi tôi còn nhỏ thì thuốc phiện là thứ cây mà hầu như gia đình nào ở đây cũng trồng, bởi với người Mông khi ấy, thuốc phiện không chỉ là thứ để đổi lấy gạo, ngô, quần áo… mà còn là một phần văn hóa của người vùng cao” - ông Nó nói.

Đi sâu tìm hiểu về cây thuốc phiện ở mảnh đất “Chuồng Ngựa” (tiếng Thái, Co Mạ nghĩa là chuồng ngựa”), chúng tôi được những người già nơi đây giải thích rằng: Trong cụm 5 xã vùng cao này thì Co Mạ là trung tâm. Từ Co Mạ, người ta đi lên Điện Biên, đi về Sông Mã hoặc sang nước bạn Lào; đi về huyện lỵ Thuận Châu… “Hành trình ấy ngày trước được thực hiện bởi cách duy nhất là trên lưng ngựa. Trong hành trình xa xôi ấy, Co Mạ trở thành nơi nghỉ chân và cái tên “Chuồng Ngựa” có lẽ ra đời từ đấy” – ông Vừ Súa Ly – một già bản ở Co Mạ bảo vậy. 

Cũng theo ông Ly thì với người dân vùng cao ngày xưa, việc trồng thuốc phiện phổ biến hơn cả người vùng xuôi trồng rau ăn hàng ngày, bởi người vùng cao chỉ dựa vào rau rừng tự kiếm được. “Trồng cây thuốc phiện nhiều nhưng không phải ai cũng trồng để lấy nhựa hút. Thuốc phiện ở vùng cao ngày trước là một trong những lễ vật cần có khi hỏi, cưới, ma chay, lễ lạt… Tất cả những sự kiện lớn với đời sống con người vùng cao thì hầu như không thể thiếu thuốc phiện. Bên cạnh đó, người vùng cao ngày xưa còn dùng thuốc phiện như một kháng sinh đặc trị nhiều loại bệnh cho cả con người và gia súc” – ông Ly tâm sự vậy.

Ông Sùng Chờ Nó cũng bảo: Cũng chính bởi vai trò của cây thuốc phiện với vùng cao ngày trước, lớn như thế nên hầu như mọi nhà đều trồng cây thuốc phiện. Để có đất trồng thuốc phiện thì phải phá những cánh rừng tốt nhất và cũng chỉ trồng được mấy vụ là đất bạc màu. Nếu không muốn phá rừng thì lại phải du canh, du cư. Còn đói nghèo thì sinh ra buồn, chán và hút xách. Cái vòng đời luẩn quẩn quanh cây thuốc phiện đã làm khốn khó bao người vùng cao như thế...

“5 có – 5 không” đẩy lùi ma túy

Bước vào thập kỷ 90 vừa qua, khi tỉnh Sơn La quyết tâm chuyển đổi sản xuất – xóa bỏ cây thuốc phiện thì cuộc sống ở những vùng đất chuyên canh cây thuốc phiện mới bắt đầu thay đổi. Ông Sùng Chớ Nó bảo, tỉnh Sơn La triệt phá cây thuốc phiện rất bài bản. Đi cùng với những chiến dịch tuyên truyền, triệt phá là sự đầu tư một cách có hệ thống về tri thức làm ăn mới được khuyến nông đưa về, hỗ trợ cây - con giống mới, xây dựng hệ thống ý tế cơ sở, bố trí cán bộ y tế bản, cán bộ văn hóa bản… Những nỗ lực ấy từng bước làm thay đổi nhận thức người dân, chỉ rõ sự bất lợi của cây thuốc phiện cũng như những lợi ích trước mắt và lâu dài của chuyển đổi sản xuất gắn với thị trường hàng hóa trong nông nghiệp.

“Không chỉ có những chiến dịch tổ chức tố giác, phát giác và triệt phá với địa bàn trồng, với người sử dụng, buôn bán nhựa cây thuốc phiện; tỉnh Sơn La đã đưa đến cho nông dân chúng tôi những giải pháp triệt để, giúp người dân từ bỏ cây thuốc phiện dễ hơn và hiệu quả hơn. Ai nghiện hút thì được đưa đi cai nghiện với tính chất là một “người bệnh”. Ai lén lút trồng thì được tuyên truyền, giải thích; mọi người được “cầm tay – chỉ việc” với những cách làm mới: Trồng ngô lai, lúa lai, trồng cây ăn quả, nuôi gà công nghiệp, nuôi cá, nuôi lợn… các bản làng đều xây dựng qui ước, hương ước và ký cam kết thực hiện “5 có – 5 không”; trong đó thực hiện việc không tái trồng, buôn bán, sử dụng thuốc phiện là một nội dung quan trọng” – già bản Vừ Súa Ly nhớ lại.

“Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt ấy, cụm xã vùng cao Thuận Châu hôm nay mới có sự đổi khác lớn như thế này” – Bí thư Sùng Chờ Nó vui vẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem