5 cuộc chiến tranh "dại dột" trong lịch sử nước Mỹ: Tham chiến tại Việt Nam
5 cuộc chiến tranh "dại dột" trong lịch sử nước Mỹ: Tham chiến tại Việt Nam
PV
Thứ hai, ngày 28/11/2022 21:30 PM (GMT+7)
Mặc dù là quốc gia hàng đầu thế giới về tiềm lực quân sự cũng như độ thiện chiến của các lực lượng nhưng cũng có một số trận chiến mà đáng lẽ Mỹ nên tránh xa ngay từ đầu.
Robert Farley, chuyên gia người Mỹ trong lĩnh vực an ninh quốc gia đã liệt kê danh sách những trận chiến mà Mỹ phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề như một lời nhắc nhở trước khi nước này tiếp tục “dấn thân” vào một cuộc phiêu lưu bên ngoài nào khác.
Viết trên tạp chí National Interest, ông Farley cho biết: “Như bất kỳ quốc gia nào khác, không phải cuộc chiến nào của Mỹ cũng được xem là khôn ngoan và không phải trận chiến nào cũng đáng để tham gia”.
Dưới đây là 5 cuộc chiến mà tác giả cho rằng Mỹ không nên lún sâu vào:
Cuộc chiến năm 1812
Mâu thuẫn khiến cuộc chiến tranh năm 1812 (từ 18/6/1812 đến ngày 17/2/1815) nổ ra bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp và các cuộc chiến tranh Napoleon (1792-1815). Trong cuộc xung đột giữa Anh và Pháp này, lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng bởi hai quốc gia trên đã chặn tuyến đường giao thương của Mỹ sang châu Âu.
Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến cuộc chiến còn có việc Anh đã cưỡng bức các thủy thủ thương gia Hoa Kỳ đi lính cho Hải quân Hoàng gia cũng như tham vọng muốn mở rộng lãnh thổ của Washington.
Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh, Mỹ đã phải chịu rất nhiều thất bại tốn kém dưới tay quân Anh, Canada và cả lực lượng người bản địa Mỹ, bao gồm cả việc thủ đô Washington D.C bị chiếm giữ và đốt cháy tháng 8/1814.
Farley kết luận: “Nguyên nhân nằm ở chỗ Mỹ đã chuẩn bị quá sơ sài cho cuộc chiến. Việc xâm chiếm Canada thất bại, các tàu Hải quân Mỹ cũng giành được một số thành công đáng chú ý nhưng tóm lại Hải quân Hoàng gia Anh vẫn muốn làm gì thì làm, vào bất cứ khi nào họ thích; quân Anh đốt thủ đô của người Mỹ. Hoa Kỳ gần như đã sụp đổ vì nội chiến trước khi Washington và Lodon đạt được thỏa thuận hòa bình”.
Cuộc chiến “Đồi Đen”
Cuộc đại chiến Sioux năm 1876, còn gọi là chiến tranh “Đồi Đen”, là một loạt trận chiến và đàm phán diễn ra từ năm 1876 đến 1877 giữa những người thuộc các bộ tộc da đỏ bản địa Hoa Kỳ Lakota Sioux và Bắc Cheyenne chống lại Mỹ.
Khi vàng được tìm thấy ở khu vực Black Hills (đồi Đen), những người đến Mỹ định cư bắt đầu xâm chiếm vùng đất của người Mỹ bản địa. “Chính phủ Mỹ khi đó đã không thể, hay nói chính xác hơn là không sẵn sàng, ngăn chặn những người da trắng xâm nhập vào khu vực đồi Đen và sau những cuộc đàm phán không hiệu quả chỉ đơn giản quyết định tịch thu vùng đất giá trị này”, ông Farley viết.
Cuối cùng, sự kết hợp giữa các nỗ lực ngoại giao và quân sự đã buộc hầu hết người Cheynenne và Sioux phải đầu hàng, một số người đã bỏ tới Canada. Những cuộc chiến lác đác vẫn tiếp tục tới 15 năm sau đó. Chính phủ Mỹ đã bình định người Cheyenne và Sioux, đồng thời giành quyền kiểm soát hoàn toàn nửa phía Đông của khu vực hiện nay là bang Nam Dakota.
“Số người thiệt mạng và những gì bị phá hủy thể hiện việc Mỹ đã đối xử không công bằng đối với các bộ tộc người bản địa xuyên suốt thế kỷ 19”, Farley nhận xét.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất
Thế chiến lần thứ I (ngày 28/7/1914 đến ngày 11/11/1918) xuất phát từ châu Âu với vai trò của Mỹ là “quan sát, và hưởng lợi từ sự phá hủy từ từ nền văn minh châu Âu giữa những năm 1914 và 1917”. Khi lục địa châu Âu chìm sâu trong cuộc xung đột năm 1914, Tổng thống Wilson tuyên bố Mỹ đóng vai trò trung lập.
Trong nhiều năm chiến tranh các nhà sử học Mỹ còn tranh luận và lý giải nguyên nhân dẫn tới việc nước Mỹ tham chiến sau gần 3 tháng đứng trung lập. Phần lớn các ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản của việc Mỹ tham chiến xuất phát từ những lợi ích của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Sau gần ba năm thu lợi từ những đơn đặt hàng quân sự từ cả hai bên tham chiến, nhất là các khối hiệp ước, vào lúc chiến tranh chuẩn bị đi vào hồi kết, nước Mỹ cần phải đứng về phe hiệp ước để giành chiến thắng.
“Trong 18 tháng tham chiến, 116.000 lính Mỹ đã thiệt mạng. Các học giả vẫn tranh cãi việc Mỹ can thiệp vào Thế chiến thứ nhất có đúng đắn hay không nhưng cuối cùng cuộc chiến khép lại với sự sụp đổ của bốn đế chế (Đức, Nga, Ottoman, Áo-Hungary) và sự mở rộng của hai phe (Anh và Pháp) mà không giải quyết được bất kỳ vấn đề mâu thuẫn chính nào”, Farley kết luận.
Cuộc chiến tại Việt Nam
Chiến tranh tại Việt Nam là một trong những cuộc chiến kéo dài và tốn kém nhất mà Mỹ tham gia. Bắt đầu năm 1954, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà , Mỹ tiếp tay cho chính quyền miền Nam Việt Nam chống phá miền Bắc, trong khi đó cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô vẫn tiếp diễn.
Cuộc chiến khiến 58.000 lính Mỹ phải bỏ mạng và kết thúc khi các lực lượng Hoa Kỳ buộc phải rút quân năm 1973 và đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất hai năm sau đó.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Cựu chiến binh Mỹ, khoảng 500.000 trong số 3 triệu lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã phải chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh, tỷ lệ ly hôn, tự tử, nghiện rượu và ma túy trong lực lượng cựu chiến binh cũng đặc biệt cao.
Chiến dịch đất nước Iraq tự do
Năm 2003, Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến tranh ở Iraq mà nước này gọi là Chiến dịch đất nước Iraq tự do với mục đích tiêu diệt chế độ Saddam Hussein, thiết lập một quốc gia thân thiện, dân chủ, đồng thời ngăn chặn việc cung cấp các vũ khí hủy diệt hàng loạt cho mạng lưới khủng bố. “Theo một cách nhìn khác, mọi khía cạnh trong tuyên bố trên đều rất vô lý”, Farley viết.
Theo các thống kê chính thức, có khoảng 4.493 quân nhân Mỹ bị giết tại Iraq từ năm 2003 đến năm 2014. Các số liệu cho thấy 32.021 người khác bị thương. Tuy nhiên, theo website Antiwar.com, những dự đoán không chính thức thì các con số đó phải lên tới 100.000 người.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.