5 người lấy tài sản của dân khi cưỡng chế nhà ở TP Thủ Đức có bị xử lý hình sự?

Quang Trung Thứ ba, ngày 24/05/2022 15:32 PM (GMT+7)
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đang phối hợp cùng Công an phường Hiệp Bình Chánh làm việc với 5 người lấy tài sản của người dân khi tham gia đoàn cưỡng chế nhà không phép. Những người này có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Tự ý lấy tài sản khi cưỡng chế nhà dân

Năm người được công an mời làm việc gồm ông R., ông L., ông C., ông T. và ông X. Đây là năm công nhân, lao động tự do được UBND phường Hiệp Bình Chánh thuê để thực hiện tháo dỡ công trình không phép trên địa bàn.

5 người lấy tài sản của dân khi cưỡng chế nhà ở TP Thủ Đức có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Nhà gia đình chị C. bị đoàn cưỡng chế phường Hiệp Bình Chánh phá dỡ và bị thành viên trong đoàn cưỡng chế lấy tài sản. Ảnh: TS

Trước đó, ngày 17/5, đoàn cưỡng chế công trình vi phạm đã tiến hành cắt khoá, tháo dỡ nhà xây không phép của gia đình chị HTBC tại KP7, phường Hiệp Bình Chánh. Đến sáng hôm sau, chị C. đi tìm quần áo cho con đi học thì phát hiện nhiều đồng hồ, nhẫn và một số tài sản khác bị mất.

Chị C. thông báo cho lực lượng chức năng thì được trao trả lãi rác từng món đồ gồm: Một chiếc nhẫn, chín cái đồng hồ, một mắt kính. Ngoài ra, một con heo đất đã được đập bể và không còn tiền, một con heo đất khác vẫn chưa được tìm thấy.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết khi tiếp nhận thông tin, các ngày 18 đến 21/5, Ủy ban phường và Công an phường đã mời những người này lên làm việc. Sau đó, thường trực uỷ ban phường đã tiến hành thu hồi và trao trả lại tài sản cho người dân.

Có dấu hiệu tội phạm?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, qua thông tin ban đầu thấy hành vi của 5 người thi hành công vụ lấy tài sản của người dân khi thực hiện thủ tục cưỡng chế hành chính là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, xác định giá trị tài sản để khởi tố, xử lý hình sự là đúng quy định pháp luật.

Ông Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, người nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Trường hợp người dân vi phạm quy định về sử dụng đất, vi phạm về trật tự xây dựng, đã bị xử lý hành chính mà không chấp hành có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện các quyết định hành chính.

Trong quá trình thực hiện thủ tục cưỡng chế phá dỡ nhà ở hoặc thủ tục cưỡng chế xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan chức năng phải đảm bảo an toàn cho những người sinh sống trong ngôi nhà đó, bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.

5 người lấy tài sản của dân khi cưỡng chế nhà ở TP Thủ Đức có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Hình ảnh đoàn cưỡng chế và những tài sản gia đình chị C. báo mất. Ảnh. TS.

Những tài sản bị cưỡng chế, tháo dỡ, những tài sản bị thu giữ sẽ phải được liệt kê trong quyết định, văn bản, danh sách trong thủ tục tổ chức cưỡng chế.

Ngoài những công trình vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ, những tài sản có thể bị thu giữ được xác định là vật chứng, những người thi hành công vụ không được phép xâm phạm đến bất kỳ tài sản nào khác của công dân.

Nếu người có chức vụ quyền hạn mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu hoặc nhóm tội phạm về chức vụ.

Ông Cường cho rằng, trong vụ việc này, 5 ngươi được cơ quan nhà nước thuê để tham gia cưỡng chế, được trao quyền lực nhà nước để thực hiện nhiệm vụ công nên những người này sẽ được xác định là người thi hành công vụ.

Việc thi hành công vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, về nguyên tắc, người thi hành công vụ chỉ được thực hiện những việc mà pháp luật cho phép, không được thực hiện các việc mà pháp luật không cho phép.

Theo kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, 5 người này đã lấy nhiều tài sản của gia đình bị cưỡng chế, bao gồm nhẫn, đồng hồ, kính,…Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ vai trò, nhiệm vụ của những người đã lấy tài sản của nạn nhân, làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của từng người. Đồng thời xác định giá trị những tài sản mà nhóm người này đã lấy đi để làm căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp tài sản bị lấy đi trị giá từ 2 triệu đồng trở lên và người lấy tài sản đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt, những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp hành vi chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhóm tội phạm về chức vụ thì hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của nhóm người này có thể sẽ bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.

"Đây là vụ việc nghiêm trọng, cho thấy hoạt động thi hành công vụ có sai sót, thiếu chuẩn mực, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền. Cơ quan chức năng cần làm rõ sự việc xử lý nghiêm minh đối với người vi phạm.

Đồng thời truy tìm để trả lại toàn bộ tài sản cho gia đình nạn nhân. Nếu trị giá tài sản từ 2 triệu đồng trở lên cần khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật" – ông Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem