Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ hai, ngày 23/05/2022 14:57 PM (GMT+7)
Nằm sâu trong vùng ảnh hưởng của Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng nhưng suốt 13 năm qua, 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện tái định cư, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề

Từ sau khi Dự án Hồ chứa nước bản Mồng được phê duyệt điều chỉnh quy mô, nâng cao trình đập lên +78,9m, thì phần diện tích 702,6 ha bao gồm không gian sinh sống và sản xuất của người dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân sẽ bị ngập lụt, phải di dời.

Khi mới hay tin dự án được phê duyệt, người dân thôn Thanh Sơn vô cùng phấn khởi vì sắp được di dời đến nơi tái định cư khang trang, không lo ngập lụt và sống trong cộng đồng dân cư văn minh hơn.

Thế nhưng, 13 năm qua, dự án tái định cư chưa được rót vốn. Toàn bộ 119 hộ dân ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang khổ sở vì dự án này.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) phải sống trong các căn nhà tạm bợ, lụp xụp. Ảnh: HT

Có mặt tại thôn Thanh Sơn, chúng tôi mới tận mặt chứng kiến được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Thôn này lọt thỏm trong một thung lũng, bao bọc xung quanh là những ngọn núi cao.

Do nằm trong vùng dự án, phải thực hiện tái định cư nên người dân Thanh Sơn không dám tu sửa nhà cửa. Cả thôn chỉ lác đác vài ngôi nhà kiên cố, còn lại người dân ở đây vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà dột nát, tạm bợ, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài mỗi khi mùa lũ về.

Con đường chính nối thôn Thanh Sơn với bên ngoài vẫn là đường đất, chỉ cần một cơn mưa cũng làm bề mặt đường trở nên trơn trượt, đất đỏ nhão nhẹt trồi lên quá nửa bánh xe. Nhà văn hoá, trường học nơi đây cũng lụp xụp, đổ nát do nhiều năm không được tôn tạo, sửa chữa.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 2.

Thôn Thanh Sơn bị cô lập mỗi khi nước lũ về. Ảnh: HT

Theo ông Hà Văn Giới, trưởng thôn Thanh Sơn cho biết, thôn cách trung tâm xã Thanh Hòa tới 22km, bởi vậy, việc giao thương, buôn bán với bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa mưa, cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi thôn thường xuyên bị cô lập ngắn hạn do nước dâng cao.

"Con đường nội thôn có tới 4 điểm suối chảy qua, những điểm này ngân sách địa phương không được đầu tư xây dựng kiên cố do vướng dự án hồ thủy lợi Bản Mồng. Để có đường đi, chúng tôi đã làm những cây cầu tạm bằng tre nứa nhưng chỉ được một thời gian là hỏng và không an toàn", ông Giới nói.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 3.

Các cây cầu bắc qua suối được làm tạm bợ và không an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Ảnh: HT

Cũng theo ông Giới, ở đây trên 95% dân số là người Thái, kinh tế chủ yếu dựa vào vài thửa ruộng. Nhiều gia đình muốn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo cũng chẳng dám triển khai. Bởi lẽ, họ sợ vừa đầu tư xong lại phải chuyển đến nơi ở mới.

"Khó khăn của người dân là vậy, nhưng cán bộ chúng tôi cũng chỉ biết động viên, còn việc giải quyết thì vẫn chưa biết đến khi nào vì xã không có thẩm quyền" – ông Giới cho biết thêm.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 4.

Trường học xuống cấp không được đầu tư sửa chữa. Ảnh: HT

Gia đình ông Kim Văn Sơn (người dân thôn Thanh Sơn) nhiều năm nay sống trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp bởi đất đai không được cấp mới, nhà cửa không được xây dựng, cơi nới, không được tách hộ do gia đình ông thuộc diện phải di dời.

Ông Sơn bức xúc: "Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, huyện, mong sớm được di dời để ổn định cuộc sống nhưng cứ chờ hết năm này qua năm khác, đến nay cũng ngót 13 năm rồi. Chúng tôi chỉ mong có nơi ở mới, có căn nhà mới chứ cứ ở đây, cứ mãi nghèo đói, thực sự rất buồn."

Chính quyền địa phương cũng đành "bất lực"

Không chỉ có gia đình ông Sơn mà đa phần các hộ dân ở Thanh Sơn đều đang trong hoàn cảnh tương tự. Trong 13 năm qua, có ít nhất gần 100 lao động của địa phương phải đi mưu sinh, tìm việc tại các tỉnh ngoài để kiếm sống.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 5.

Nhà văn hóa thôn Thanh Sơn đã cũ nát do không được tôn tạo, sửa chữa. Ảnh: HT

Về vấn đề này, ông Đỗ Tất Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết, dự án chưa duyệt ngân sách tái định cư nên bà con phải chịu rất nhiều khó khăn. Việc chậm tái định cư không những ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế lâu dài của địa phương.

Theo ông Hùng, trong nhiều cuộc họp, xã đã có ý kiến đề xuất lên cấp trên và các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ di dời người dân nằm trong vùng ngập của hồ Bản Mồng, tạo điều kiện để bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

"Chứng kiến những vất vả của bà con, chúng tôi thấy rất xót xa nhưng lực bất tòng tâm. Lãnh đạo huyện cũng nhiều lần về đây nắm bắt tình hình nhưng đành chịu vì vượt quá thẩm quyền. Đường sá, trường học, đường điện xuống cấp hết cả nhưng giờ đầu tư rất tốn kém, ngân sách lại không thể chi cho những nơi thuộc diện di dời", ông Hùng phân trần.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 6.

Bên trong nhà văn hóa thôn Thanh Sơn. Ảnh: HT

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Đây là dự án do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn làm chủ đầu tư, việc tái định cư cho các hộ dân tại Thanh Hóa nằm trong giai đoạn 2 của dự án.

Đến nay, dự án đã rà soát và quyết định di dời toàn bộ 119 hộ dân thôn Thanh Sơn tới định cư tại khu vực thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Khu vực này rộng khoảng 300 ha.

Dự kiến, mỗi hộ dân sẽ được cấp 400m2 đất ở, 600m2 đất vườn liền kề và bình quân mỗi hộ sẽ nhận hơn 2ha đất sản xuất. Huyện đã khảo sát, dự toán việc di dời, ổn định đời sống cho 119 hộ dân hết khoảng 360 tỉ đồng.

Thanh Hoá: 119 hộ dân xã Thanh Hòa sống lay lắt chờ tái định cư - Ảnh 7.

Nhiều ngôi nhà đã hư hỏng nặng nhưng không được sửa sang, xây mới do thuộc diện phải di dời. Ảnh: HT

"Hiện các Bộ liên quan vẫn đang hoàn thiện các bước của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau phê duyệt mới có kinh phí để thực hiện việc tái định cư. Còn về thời gian dự án chính thức triển khai thì đến nay huyện chưa nắm được", ông Tuất thông tin.

Dự án Hồ chứa nước bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ tháng 5/2009. Công trình xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) với tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 5.318 tỉ đồng.

Diện tích lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem