Đó là ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc (CTDT), chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011-2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 vừa diễn ra tại TP.Lào Cai (Lào Cai).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: L.S
Chuyển biến vùng DTTS
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc (UBDT), hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 cho vùng DTTS khá đầy đủ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và phủ kín các vùng dân tộc và miền núi (DTMN). Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp mạnh cho địa phương, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình chuyển sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay. Các chính sách được sự quan tâm phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Vai trò của người dân và đối tượng thụ hưởng được phát huy tốt hơn.
Đánh giá giai đoạn 2011 – 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, CTDT đã đạt được 5 thắng lợi. Đó là: Thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về CTDT ngày càng hoàn thiện, với nhiều nghị quyết, chiến lược phân biệt theo ngành, lĩnh vực, khu vực. Nguồn lực để thực hiện phong phú và được sử dụng hiệu quả hơn. Đã có một bước quan trọng về tư duy, từ cho không sang cho vay ưu đãi, tạo động lực cho đồng bào vươn lên. Công tác chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm. Kinh tế xã hội vùng DTTS có chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại như: Các chương trình, chính sách còn chồng chéo, phối hợp chưa đồng bộ. Ban hành nhiều chính sách nhưng nguồn lực bố trí còn bất cập, nhất là chưa có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới vùng DTTS. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn...
Trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước đã giảm 8,23% so với năm 2010, đến cuối năm 2015 còn dưới 5%. Thông qua Chương trình 135, đã có hơn 1,3 triệu hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất...
|
Điều chỉnh chính sách phù hợp thực tế
Đề xuất khung chính sách thực hiện tại vùng DTMN giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho biết: “Chính sách đang đề xuất có nhiều đổi mới. Trước hết là với những chính sách đang có, đến năm 2015 hết hiệu lực nhưng mục tiêu còn lớn, chúng tôi đã tích hợp lại với mục tiêu tiếp tục giải quyết những vấn đề bức xúc về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ tín dụng. Trước đây có nhiều văn bản rải rác thì nay gom lại thành 1 văn bản. Định mức đề xuất tăng lên cho phù hợp với điều kiện mới và phân cấp mạnh cho địa phương”.
Trong thiết kế của Chương trình 135 trước đây chỉ có 2 hợp phần (hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng), nay có thêm hợp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ cơ sở. Đó là một vài điều chỉnh để phù hợp với điều kiện mới, hướng tới cái nghèo đa chiều chứ không phải đơn chiều chỉ tính tới thu nhập mà phải tiếp cận tới dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin tuyên truyền, nhà ở, nước sạch…
Về CTDT trong năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Quan tâm tới biên giới, DTMN là trách nhiệm của lãnh đạo các cấp để thực hiện mục tiêu, định hướng chủ nghĩa xã hội. Việc thứ hai là tổng kết thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành T.Ư khóa 9, đồng thời xây dựng nghị quyết mới và chỉ thị của Ban Bí thư về CTDT. Cái này là văn bản nòng cốt, quan trọng để thúc đẩy toàn hệ thống chính trị. Thứ ba là rà lại chính sách để tránh trùng lặp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng của UBDT, các bộ, tỉnh để điều hành CTDT hiệu quả hơn.
Ông Giàng A Chu – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Đừng chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước
Chính sách dân tộc sẽ triển khai hiệu quả hơn nếu nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm. Qua giám sát, chúng tôi thấy rằng có rất nhiều chủ trương chính sách nhưng mà nguồn lực chưa bảo đảm. Có chương trình đảm bảo 60%, có chương trình 40%, nhưng qua giám sát thì thấy có những chương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi nhưng không có nguồn lực để đầu tư hỗ trợ. Đây là vấn đề cần điều chỉnh trong thời gian tới. Trong giai đoạn mới, nguồn lực nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước sẽ không cải thiện được bao nhiêu so với giai đoạn trước, cần phải xã hội hoá và tích cực thu hút viện trợ quốc tế.
Ông Cao Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông: Điều chỉnh tiêu chí thôn, xã ĐBKK
Tiêu chí xét thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và các chính sách áp dụng kèm theo vẫn còn một số bất cập. Đối với vùng 1, 2 có rất ít chính sách ưu đãi, cùng với quá trình đô thị hoá, đời sống của các dân tộc tại vùng này gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như việc cấp thẻ bảo hiểm đối với người dân sống ở vùng ĐBKK chưa có sự phân biệt, có hộ nghèo thực sự cần cấp thẻ bảo hiểm, nhưng có những hộ giàu cũng được cấp thẻ. Trong khi các hộ nghèo ở vùng 2 lại không được cấp thẻ, điều này gây nên tâm lý so bì giữa người dân.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Quan tâm hơn tới người dân tái định cư
Mong UBDT quan tâm, xem xét thống nhất chủ trương đầu tư và hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 14 điểm định canh định cư tập trung, để thực hiện định canh định cư cho 610 hộ đồng bào DTTS có nhu cầu bức thiết trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Các nguồn vốn hiện tại so với nhu cầu thực tế là rất thấp, trong khi chi phí đầu tư các điểm tập trung cao, ngân sách địa phương thì hạn chế.
San Nguyễn (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.