5 tính năng của tiêm kích tàng hình Nga khiến phương Tây ngưỡng mộ

Thứ hai, ngày 09/11/2020 14:34 PM (GMT+7)
Tổ hợp radar trinh sát tiên tiến và khả năng vận hành trên đường băng dã chiến là những ưu điểm nổi bật của dòng Su-57 Nga.
Bình luận 0

Dòng Su-57 thường bị đánh giá là có khả năng tàng hình thua kém nhiều so với tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ như F-22 hay F-35, chỉ nhỉnh hơn không nhiều so với mẫu J-20 Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây vẫn chỉ ra 5 ưu điểm được đánh giá cao với mẫu phi cơ này, theo Drive.

Radar nhìn ngang gắn hai bên máy bay

Su-57 được trang bị tổ hợp vô tuyến điện tử đa năng tích hợp (MIRES) Sh121, gồm radar N036 Byelka và hệ thống tác chiến điện tử L402 Himalayas.

Bản thân N036 không phải một đài radar đơn lẻ, nó được cấu thành từ radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) N036-1-01 ở mũi máy bay, cùng 4 cụm radar N036B-1-01 và N036L-1-01 ở hai bên sườn và diềm trước cánh của tiêm kích Su-57.

"Đây là cấu hình radar rất sáng tạo và tiên tiến, cho phép Su-57 mở rộng tầm theo dõi mục tiêu, nhất là với những tiêm kích tàng hình của đối phương", chuyên gia phân tích Justin Bronk tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh nhận định.

5 tính năng của tiêm kích tàng hình Nga khiến phương Tây ngưỡng mộ - Ảnh 1.

Cách bố trí hệ thống radar N036 Byelka trên tiêm kích Su-57. Đồ họa: Indian Defence.

Ngoài việc tăng cường phạm vi cảnh giới của Su-57, cấu hình radar N036 cho phép tiêm kích này thực hiện chiến thuật "beaming" (chiếu tia) hiệu quả hơn mọi loại chiến đấu cơ khác.

Khi thực hiện chiến thuật beaming, chiến đấu cơ thường duy trì đường bay vuông góc so với mũi phi cơ đối phương, nhằm đánh lừa các loại radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực dùng nguyên lý xung Doppler trên máy bay địch.

Ở góc này, vận tốc tương đối của tiêm kích so với radar đối phương là rất nhỏ, khiến các cảm biến trên máy bay địch coi tiêm kích là "nhiễu địa vật", chẳng hạn như đỉnh núi hoặc chim trời, và ngừng theo dõi.

Điểm yếu khi máy bay thực hiện chiến thuật này là nó cũng không bám bắt được đối phương, do radar trên mũi chĩa về hướng khác. Nhược điểm này được khắc phục triệt để nhờ cụm radar gắn dọc sườn và diềm cánh Su-57, cho phép nó liên tục theo dõi mục tiêu trong nhiều điều kiện khác nhau, không phụ thuộc vào góc giữa hai phi cơ.

Hệ thống trinh sát quang - điện tử

Tiêm kích Su-57 sử dụng cụm cảm biến quang - điện tử 101KS Atoll ở trước mũi, tương tự các tổ hợp trinh sát và theo dõi hồng ngoại (IRST) trên tiêm kích thế hệ 4 và 4+ của Nga trước đó. Máy bay phương Tây thường ít được trang bị IRST nên phải mang cụm cảm biến gắn ngoài khi làm nhiệm vụ.

Ưu điểm của IRST là vận hành theo nguyên lý thụ động, không phát tín hiệu đánh động mục tiêu. Nó xác định tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay đối phương, rất hữu ích cho việc phát hiện phi cơ tàng hình, vốn khó bị bám bắt bởi radar.

Tổ hợp 101KS Atoll còn được trang bị nhiều cảm biến phát hiện tên lửa tiếp cận (MAWS) và hai bộ phát laser định hướng năng lượng cao. Điều này cho phép máy bay phát hiện các mối đe dọa đang lao tới, đặc biệt là tên lửa tầm nhiệt vốn không phát ra tín hiệu radar.

Nếu nhận diện được mục tiêu, một trong hai cụm laser sẽ phát ra chùm tia làm mù đầu dò tên lửa tầm nhiệt, giải pháp này hiệu quả hơn các loại mồi bẫy nhiệt truyền thống. Chuyên gia Tyler Rogoway cho biết thiết bị chiếu tia laser thường chỉ xuất hiện trên vận tải cơ hoặc trực thăng. Với việc lắp chúng trên Su-57, Nga đã trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.

Vận hành tốt trên đường băng dã chiến

Tiêm kích Liên Xô và Nga luôn được thiết kế để vận hành ở những đường băng dã chiến với nhiều dị vật. Dòng MiG-29 có nắp che kín cửa hút khí để ngăn dị vật lọt vào động cơ trong quá trình lăn ra đường băng và cất hạ cánh, tiêm kích Su-27 và những biến thể đời sau cũng có tấm lưới titan với chức năng tương tự.

5 tính năng của tiêm kích tàng hình Nga khiến phương Tây ngưỡng mộ - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-57 với hệ thống càng đáp rất bền. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Máy bay tàng hình Su-57 không có hệ thống tương tự, nhưng vẫn sở hữu nhiều đặc điểm để đối phó với điều kiện khắc nghiệt trên đường băng dã chiến. Chúng sử dụng càng đáp bền chắc, lốp lớn, trong khi càng trước được lắp tấm chắn để ngăn đất đá văng vào động cơ khi cất hạ cánh. Điều này cho phép Su-57 xuất kích từ nhiều vị trí, không nhất thiết phải là sân bay với đầy đủ cơ sở hạ tầng.

Ngược lại, phần lớn tiêm kích Mỹ không được tối ưu cho hoạt động dã chiến, luôn đòi hỏi sân bay và đường băng được chuẩn bị kỹ càng, nhằm tránh hư hại trong quá trình vận hành.

Động cơ sử dụng hệ thống đẩy vector (TVC)

Động cơ TVC thường xuất hiện trên tiêm kích thế hệ 4+ của Nga như Su-30SM và Su-35S, cho phép chúng thực hiện các động tác nhào lộn "siêu cơ động". Thay vì dựa vào các phương pháp điều khiển khí động học thông thường, động cơ TVC có thể thay đổi hướng lực đẩy, cho phép tiêm kích nhào lộn ngay cả khi tốc độ bằng 0.

Biến thể Su-57 mới nhất đang thử nghiệm với động cơ Saturn Izdeliye 30, nổi bật nhờ lực đẩy lớn và hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao, cải thiện khả năng tàng hình cho máy bay nhờ sử dụng các vật liệu composite mới và thiết kế miệng xả dạng răng cưa.

5 tính năng của tiêm kích tàng hình Nga khiến phương Tây ngưỡng mộ - Ảnh 3.

Động cơ Izdeliye 30 tại nhà máy sản xuất. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Izdeliye 30 có tính năng TVC ba chiều, biến Su-57 trở thành tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới được trang bị loại động cơ này. Dòng F-22 của Mỹ chỉ sử dụng TVC hai chiều, trong khi Trung Quốc vẫn đang chật vật phát triển động cơ nội địa WS-15 với tính năng TVC giới hạn.

Khoang vũ khí trong thân độc đáo

Su-57 có hai khoang vũ khí đặt dọc trong thân và nằm giữa hai động cơ, thay vì nằm song song dưới cửa hút khí như F-22 và F-35 Mỹ. Mỗi chiếc Su-57 có thể mang tối thiểu 4-6 tên lửa đối không tầm trung, cùng khả năng trang bị một số bom thông minh có kích thước lớn nhằm tăng độ linh hoạt cho từng nhiệm vụ cụ thể.

Tử Quỳnh (Theo VNExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem