6 tình huống pháp lý trong vụ cặp vợ chồng bấm được 4 biển số siêu đẹp ở Đồng Nai
6 tình huống pháp lý trong vụ cặp vợ chồng bấm được 4 biển số siêu đẹp ở Đồng Nai
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 01/04/2023 14:45 PM (GMT+7)
Liên quan vụ cặp vợ chồng bấm được 4 biển số xe máy siêu đẹp ở Đồng Nai, chuyên gia pháp lý đã nêu ra các tình huống có thể xảy ra sau khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Bộ Công an vào cuộc vụ bấm được 4 biển số xe siêu đẹp ở Đồng Nai
Ngày 31/3, Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai xác minh việc cặp vợ chồng ở huyện Cẩm Mỹ bấm được 4 biển số xe siêu đẹp tại Công an xã Sông Nhạn.
Hiện, Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu cán bộ phụ trách hồ sơ, bấm biển số và 2 người dân có liên quan tường trình. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tạm giữ các xe có liên quan để làm rõ nguồn gốc, quy trình tiếp nhận, thụ lý hồ sơ đăng ký cấp biển số.
Trước đó, ngày 29/3, Công an tỉnh Đồng Nai nhận thông tin 2 người dân đến Công an xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ để bấm biển số. Trong đó, một nam giới bấm được biển số 60B6-888.89 cho chiếc xe hiệu Suzuki RGV120 và biển số 60B6-888.86 cho xe SH150i. Vợ người đàn ông này bấm được biển số 60B6-888.88 và biển 60B6-888.68 cho 2 chiếc xe cùng mang nhãn hiệu Yaz.
Ngay trong tối 29/3, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra gồm các lực lượng thuộc Phòng CSGT, Phòng Tham mưu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xuống Công an xã Sông Nhạn xác minh. Đoàn công tác đã niêm phong hồ sơ, máy móc để làm rõ xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
4 biển số siêu đẹp sẽ bị thu hồi khi nào?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, quy trình đăng ký xe và thủ tục bấm biển được pháp luật quy định rất chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan, tránh tiêu cực.
Nên chuyện 2 vợ chồng ở Đồng Nai bấm được 4 biển số đẹp một lúc là rất hiếm gặp và dư luận hoàn toàn có nghi ngờ về sự minh bạch trong việc cấp biển.
"Đây có thể sai sót về quy trình thủ tục hoặc gian lận tiêu cực đã xảy ra. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh để có kết luận chính xác về vụ việc làm căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật" – ông Cường nói.
Theo vị chuyên gia, trong vụ việc này, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, sẽ có một số tình huống pháp lý diễn ra.
Cụ thể, nếu kết quả bấm biển "không ngẫu nhiên" nhưng vẫn đúng quy trình do lỗi kỹ thuật, cơ quan chức năng và người bấm đều không có lỗi, thủ tục bấm biển, đăng ký sẽ bị huỷ bỏ.
Tiếp đến, trường hợp nếu cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy trình nhưng người bấm biển đã gian lận trong một khâu nào đó mà cán bộ không phát hiện ra thì không xử lý cán bộ nhưng sẽ huỷ kết quả bấm biển vì phạm quy trình, sai quy định.
Trường hợp cơ quan chức năng đã làm sai quy trình do lỗi vô ý vì thiếu kinh nghiệm và không có vụ lợi, sẽ xem xét kỷ luật với cán bộ có liên quan và huỷ bỏ kết quả bấm biển.
Còn nếu trường hợp kết quả xác minh xác định đã có tiêu cực, vì nhận lợi ích vật chất (từ 2 triệu đồng trở lên) mà tác động để cấp biển số đẹp theo yêu cầu của người tác động, có thể sẽ khởi tố tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ đối với người đưa và người nhận hối lộ để xử lý theo quy định tại Điều 354 và Điều 364 Bộ luật hình sự.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có tiêu cực trong việc cấp biển số xe nhưng không có sự thoả thuận giữa người thực hiện thủ tục cấp biển số và người đề nghị cấp biển số, hành vi được xác định là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, người vi phạm có thể vẫn bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Cuối cùng, theo ông Cường, nếu kết quả xác minh không phát hiện sai sót về quy trình, cũng không phát hiện sai sót về kĩ thuật, không chứng minh được có hành vi tác động tiêu cực, không có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước thì sẽ không xử lý và không thu hồi các biển số xe này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.