Tại Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh và đề xuất chính sách chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, 5 năm qua, Bộ Y tế đã có các quyết định phê duyệt 18 Chương trình hỗ trợ thuốc.
Qua đó, đã có trên 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo tại 40 cơ sở y tế đã được hỗ trợ thuốc, với nhiều thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm có chi phí điều trị lớn, chưa được quỹ BHYT chi trả. Số tiền thuốc hỗ trợ lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết trong số 18 thuốc được hỗ trợ có 12 thuốc cho người mắc các bệnh lý ung thư (gần 66,7%). Ngoài ra, một số thuốc hỗ trợ cho người bệnh viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, Hemophillia A …
Chương trình có nhiều người bệnh nhận hỗ trợ nhất là thuốc Keytruda (pembrolizumab) cho người bệnh ung thư (hơn 40%) và thuốc Tagrisso (osimertinib) cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ gần 27%.
Đây là các thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh mới còn trong thời hạn bảo hộ độc quyền hoặc thuốc chưa có thuốc generic cùng hoạt chất hoặc dạng bào chế tại Việt Nam. 16/18 thuốc này chưa được quỹ BHYT chi trả.
Thứ trưởng Thuấn khẳng định, các chương trình hỗ trợ thuốc đã thực sự mang ý nghĩa nhân văn cao cả, mang lại ý nghĩa thiết thực cho người bệnh, giúp giảm giá thành điều trị, tăng tỉ lệ người bệnh tiếp cận điều trị thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, đối với các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần cũng cần nghiên cứu, xem xét có nên mở rộng cho các thuốc đã hết bảo hộ độc quyền, thuốc sinh phẩm hoặc thậm chí mở rộng cho cả các thuốc generic để tăng khả năng tiếp cận thuốc, giảm chi phí điều trị cho người bệnh hay không?
"Đây là những vấn đề quan trọng cần thảo luận, nghiên cứu kỹ để vừa có thể thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng lợi vừa mang lại lợi ích cho người bệnh, gia đình người bệnh và cho cả xã hội"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Hiện, Bộ Y tế đang lấy ý kiến sửa đổi thông tư 31/2018 quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí toàn bộ hoặc một phần để tăng khả năng tiếp cận thuốc, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh việc phê duyệt các chỉ định mới, cập nhật phác đồ thuốc được thế giới phê duyệt.
Với các thuốc phát minh mới, dù đã thực hiện chương trình hỗ trợ nhưng giá thành vẫn rất cao so với khả năng chi trả của người bệnh, do đó cần đưa thuốc vào danh mục quỹ BHYT trả để nhiều người bệnh có thể được tiếp cận với thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.