63% người mắc bệnh lao thường và 98% người mắc bệnh lao kháng thuốc đối mặt với chi phí thảm họa

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 24/03/2023 13:20 PM (GMT+7)
Theo Bộ Y tế, năm 2021, Việt Nam có hơn 100.000 người mắc bệnh lao được phát hiện và điều trị, trong đó 95% là bệnh nhân lao thường, 5% bệnh nhân lao kháng thuốc.
Bình luận 0

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đã tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao. 

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống lao trên toàn cầu năm nay là "Yes, We Can End TB" (Đúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao).

Hơn 12.000 người tử vong vì bệnh lao năm 2021

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. 

Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong 2 năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.

Thông điệp của niềm hy vọng: "Việt Nam chiến thắng bệnh lao"   - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho rằng, bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc. 

"Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao, có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.

Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, vì vậy bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh. 

TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. 

Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

Theo ông Lượng, năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 là năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

"Mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng, 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện.", ông Lượng chia sẻ.

90% người mắc bệnh lao mới được điều trị khỏi bệnh

Theo ông Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. 

Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. 

Nhờ triển khai Chiến lược 2X, chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao.

"Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của gần 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao".  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem