65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: “Ký ức lửa” sống mãi với thời gian

Thanh Tùng Thứ ba, ngày 07/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
65 năm sau ngày chiến thắng chấn động địa cầu (7.5.1954 - 7.5.2019), “chảo lửa” Điện Biên Phủ đã đổi thay, trở thành thành phố trẻ đang vươn mình phát triển. Song, vẫn còn đó những chứng tích, những câu chuyện đầy giá trị và ý nghĩa về một thời bom đạn, nhắc nhở các thế hệ sinh ra trong hòa bình trân trọng những chiến công của các thế hệ cha anh.
Bình luận 0

Giữa thành phố đẹp tươi, nhớ đồng đội

TP.Điện Biên Phủ những ngày này náo nhiệt hơn bởi dòng người từ khắp muôn phương đổ về thăm lại chiến trường xưa, tìm hiểu những chiến công của quân và dân ta 65 năm trước. Nổi bật  trong dòng người tấp nập  là những màu xanh áo lính đã bạc theo thời gian. Họ là những cựu chiến binh của chiến trường Điện Biên Phủ ngày nào, giờ trở lại thăm chiến trường xưa. Đối với họ từng tấc đất, từng chiến hào, từng lô cốt đều thấm đẫm những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng.

img

  Cựu chiến binh Điện Biên Phủ Phạm Thắng trò chuyện về những ngày tháng rực lửa 65 năm trước.  Ảnh:  B.V.D

65 năm mới có dịp trở lại chiến trường xưa, nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Thắng - nguyên chiến sĩ Trung đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô, thuộc Đại đoàn 308, vẫn nhớ như in giây phút sinh tử khi cùng 11 đồng chí trong tiểu đội chuyển bộc phá vào khu đồi A1. Với ông Thắng, đồi A1 là nơi in đậm trong trí nhớ và trái tim ông, bởi ở đó biết bao đồng đội mà ông biết mặt biết tên mãi mãi ra đi, nơi mỗi ngày từng có hàng trăm chiến sĩ hy sinh dưới pháo đạn của quân thù.

Ông Thắng bảo, ông không bao giờ quên việc vác bộc phá đi dọc chiến hào và vấp phải những mảnh thi thể người  vương vãi vì trúng bom đạn, trong đó có cả đồng đội thân thiết của mình. Tiểu đội ông khi đó đi lên 11 người thì 9 người mãi mãi không trở về.

Hôm nay, sau 65 năm mới trở lại chiến trường xưa, ông chỉ biết lặng nhìn những đổi thay của mảnh đất Điện Biên, của khu đồi A1, thương nhớ những người đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống để có chiến thắng vang dội ngày đó...

img

Một góc TP.Điện Biên Phủ - nơi 65 năm trước là chiến trường ác liệt.  Ảnh:  V.D

“Tôi không thể tưởng tượng được, đồi A1 ngày hôm nay khác xa với đồi A1 hồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồi A1 của hơn 60 năm trước toàn là đất đỏ cày xới tan hoang, bộ đội ta đi dọc chiến hào lên đánh chiếm. Cứ 10 người hy sinh thì 10 người khác lên thay. Tiểu đội tôi lên 11 người thì chết 9. Giờ đã 85 tuổi, được trở lại chiến trường xưa, được đứng trên ngọn đồi A1 này, tôi  thực sự cảm ơn những người đã góp công góp sức xây dựng Điện Biên có được ngày hôm nay. Tôi đã khấn và gọi vong linh các đồng đội của tôi  hy sinh, các đồng chí hãy về nhìn đồi A1, nhìn TP.Điện Biên Phủ hôm nay. Máu xương của các đồng chí đã làm nên hòa bình, đổi thay, sự tươi đẹp ấy” - ông Thắng chia sẻ.

Niềm tin chiến thắng

Giờ đã 85 tuổi, được trở lại chiến trường xưa, được đứng trên ngọn đồi A1 này, tôi  thực sự cảm ơn những người đã góp công góp sức xây dựng Điện Biên có được ngày hôm nay. Tôi đã khấn và gọi vong linh các đồng đội của tôi  hy sinh, các đồng chí hãy về nhìn đồi A 1, nhìn TP.Điện Biên Phủ hôm nay.

Cựu chiến binh Phạm Thắn

Còn cựu chiến binh Bùi Văn Đáp - từng tham gia  lực lượng quân y ở chiến trường Điện Biên Phủ kể, đến giờ ông vẫn nhớ như in giây phút chữa trị cho một bệnh nhân nữ sau ca mổ vết thương lồng ngực. Do bệnh nhân khó thở, lại không còn thuốc nên cả đêm ấy, 5 người trong kíp trực lại ngồi thay nhau làm chỗ tựa cho bệnh nhân dễ thở và động viên tinh thần. Nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được nữ bệnh nhân ấy...

Rồi mỗi ngày trôi qua trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm...”, ông Đáp lại phải chứng kiến những người đồng đội của mình lần lượt ra đi trong xót xa, thầm tiếc vì trong điều kiện chiến tranh và giữa chiến trường, không có đủ thuốc men, trang thiết bị để cứu chữa cho bệnh nhân, trong khi những vết thương của chiến sĩ thì quá nặng.

Đến Điện Biên những ngày này, gặp bất kỳ cựu chiến binh hay người dân nào, những câu chuyện của họ về trận đánh năm xưa hay cuộc sống đổi mới hôm nay, đều tràn đầy ý nghĩa. Và ở bất cứ đâu trên mảnh đất này, chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện như thế. Những câu chuyện về sự sẵn sàng hy sinh, đánh đổi tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng hay máu xương cho mảnh đất này.

Và để giành được chiến thắng vinh quang như ngày hôm nay, ngoài sự anh dũng kiên cường trong chiến đấu còn có niềm tin tuyệt đối, sự lạc quan, yêu đời của các cựu chiến binh dẫu trong hoàn cảnh sợi dây nối giữa sự sống và cái chết mong manh nhất - niềm tin của chiến thắng, của độc lập, tự do. Đó cũng là những giá trị mà các thế hệ sau, những người đang sống và góp sức xây dựng Điện Biên tiếp nối, phát huy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem