Khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão...
Trong thời gian qua, một số dự án, công trình thủy điện (CTTĐ) vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt sự cố, hiện tượng bất thường tại CTTĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Sáng 30.10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc báo cáo Kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án TĐ và vận hành khai thác các CTTĐ.
Thẩm tra về báo cáo trên, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng: Tại một số dự án, CTTĐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
“Công tác quản lý an toàn tại các CTTĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các CTTĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Hiện có khoảng 34% tổng số dự án TĐ vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. “Tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch TĐ nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều” - ông Phan Xuân Dũng cho hay.
Hiện cơ quan chức năng đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án TĐ bậc thang (395 MW) và 418 dự án TĐ nhỏ (1.174,49 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW).
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.