7 năm bền bỉ nuôi lợn... nhựa

Thứ ba, ngày 04/03/2014 06:54 AM (GMT+7)
Từng trích tới 300 triệu đồng mua… lợn nhựa tặng Hội Khuyến học và học sinh các vùng nông thôn, ông Triệu Đình Khuê (75 tuổi, ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đã gây dựng được phong trào tiết kiệm tiền, hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo…
Bình luận 0
300 triệu đồng mua lợn nhựa

Gặp ông Khuê những ngày này, thấy ông bận rộn đi thăm từng “khu vực nuôi lợn” - như cách gọi đùa của ông về những vùng đang được ông hỗ trợ nuôi lợn nhựa. Ông kể: “Năm 2006, tôi mua hàng nghìn con lợn nhựa, đi phát ở một số gia đình trên địa bàn Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… Từ đó, những con lợn nhựa đã thành phong trào tiết kiệm gắn với việc khuyến học, khuyến tài”.

Ông Triệu Đình Khuê tặng lợn nhựa cho học sinh, giúp các em tự giác tiết kiệm bằng việc nuôi lợn nhựa.
Ông Triệu Đình Khuê tặng lợn nhựa cho học sinh, giúp các em tự giác tiết kiệm bằng việc nuôi lợn nhựa.

Sau 20 năm quân ngũ, ông Khuê trở về làm giảng viên khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. “Trong thời gian dạy học, tôi gặp rất nhiều em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thêm lấy tiền ăn học. Những hoàn cảnh ấy đã thôi thúc tôi nghĩ cách giúp các em có điều kiện thật tốt để học tập” - ông Khuê bộc bạch.

Nghỉ hưu, ông Khuê luôn tự nhắc nhở bản thân phải lập ra một phong trào giúp các em học sinh có thêm một khoản tiền trang bị dụng cụ học tập đầu năm học mới. Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi trích lương hưu để làm học bổng tặng học sinh nghèo, khởi điểm là ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình với số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, nếu cứ làm theo lối mòn là lấy tiền cá nhân cho các cháu thì rồi cũng cạn kiệt, thế rồi tôi nghĩ ra phương thức nuôi lợn nhựa tiết kiệm...”.

Hơn 7 năm bền bỉ vận động phong trào tiết kiệm khuyến học, khuyến tài, ông Khuê đã trích hơn 300 triệu đồng để mua lợn nhựa tặng cho các em học sinh. Bà Phạm Thị Liên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là một phong trào hết sức ý nghĩa đối với nhà trường cũng như các em học sinh, tạo cho các cháu ý thức tiết kiệm và còn giúp phụ huynh có thêm một khoản tiền để chi tiêu đầu năm học mới”.

Sôi động “ngày hội mổ lợn”

Cách thức mà ông Khuê hướng dẫn bà con và các em học sinh là mỗi gia đình sẽ được tặng một con lợn nhựa, lợn được “nuôi” trong vòng 1 năm, đến đầu tháng 8 hàng năm các con lợn nhựa đã tặng sẽ tập trung về nhà văn hóa của thôn, xã để “mổ”. Số tiền có được, chủ nhân của lợn nhận lại và tự nguyện đóng góp vào quỹ khuyến học của địa phương. Sau khi gây quỹ, số tiền sẽ được trích ra để làm học bổng khen thưởng cho những học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh đỗ đại học…Ngày hội kết thúc, các gia đình lại tiếp tục nhận lợn về nuôi tiết kiệm.

Mỗi gia đình sẽ được tặng một con lợn nhựa, lợn được “nuôi” trong vòng 1 năm, đến đầu tháng 8 hàng năm các con lợn nhựa sẽ được tập trung về nhà văn hóa của thôn, xã để “mổ”.

Ông Lương Văn Thái - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình cho biết: Các gia đình đã hưởng ứng nhiệt tình, thậm chí còn cạnh tranh để trở thành gia đình đứng đầu trong việc nuôi lợn nhựa.

Dấu ấn lớn nhất của phong trào này có lẽ là ngày hội mổ lợn tháng 8.2013 tại xóm Đồng Tâm, xã Minh Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Toàn xóm có 110 - 120 hộ chủ yếu là người dân tộc thiểu số vậy mà có hộ đã “nuôi” được 1.700.000 đồng, các gia đình đã đóng góp hơn 2 triệu đồng để gây quỹ khuyến học. Trong đó có 1 hộ có cháu nhỏ đang học lớp 3 sống với bà ngoại, con lợn mổ thu được 600.000 đồng. Hỏi ra mới hay em mồ côi cả bố lẫn mẹ, hàng ngày ngoài giờ học em phải lên nương làm. Sau khi được tặng lợn, mỗi ngày em tiết kiệm 1.000 - 2.000 đồng, cả năm được chừng ấy tiền. Nhờ có số tiền này, em đã có thể mua sách vở, đồ dùng học tập...
Ngô Xuân (Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem