7 nữ sinh đánh nhau bị phạt đọc sách 2 tuần: "Có tính nhân văn và hiệu quả, nhưng..."

Tào Nga Chủ nhật, ngày 12/11/2023 10:36 AM (GMT+7)
Kỷ luật học sinh đánh nhau bằng cho đọc sách là hình thức đang được thực hiện ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP.HCM sau khi các em đánh nhau trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đây có phải là cách làm mang tính hiệu quả cao?
Bình luận 0

Nữ sinh đánh nhau trong nhà vệ sinh bị phạt đọc sách 2 tuần

Sáng 7/11, một clip dài khoảng 50 giây được quay tại nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP.HCM cho thấy 3 nữ sinh thay nhau đánh đá túi bụi vào đầu, mặt một nữ sinh khác trong nhà vệ sinh của trường. Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng GDĐT quận Gò Vấp cho biết trường không áp dụng hình thức đình chỉ học các học sinh có liên quan mà mức kỷ luật là hạ hạnh kiểm... Trong vòng 2 tuần, cứ đến giờ ra chơi trong cả buổi sáng, chiều, những em này sẽ phải đến thư viện của trường đọc sách, nhất là các sách về đạo đức có sự giám sát của thầy, cô giáo. Sau đó, các em sẽ ghi lại cảm nhận từng cuốn sách.

Sau 2 tuần đọc sách, vào thứ 2 chào cờ hàng tuần, những học sinh này sẽ có nhiệm vụ thay phiên nhau kể một câu chuyện về đạo đức trước toàn trường. Đây là hình thức giáo dục nhằm để các em tự nhận thức và giáo dục bản thân.

Hình thức kỷ luật này nhận được quan tâm từ dư luận bởi tình trạng bạo lực học đường đang trở nên nhức nhối nhưng hình phạt cho các em lại chưa đủ sức răn đe.

7 nữ sinh đánh nhau bị phạt đọc sách 2 tuần: "Phản tác dụng nếu tổ chức không khéo léo" - Ảnh 1.

Nữ sinh thay nhau đánh đá túi bụi vào đầu bạn. Ảnh chụp màn hình.

Kỷ luật học sinh thế nào cho hợp lý?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đoàn Vành Khuyên, hiện là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Khi đọc về trường hợp này tôi lại nhớ ngay tới bản tin thời sự mới xem cách đây chưa lâu. Đó là ở Thổ Nhỹ Kỳ có một án phạt đối với phạm nhân phạm những tội không nguy hiểm như uống rượu, gây rối trật tự... thay vì ngồi tù thì họ phải đọc 1 cuốn sách (mỗi ngày 1 tiếng rưỡi) dưới sự giám sát của cảnh sát và sẽ có sự kiểm tra sau khi đọc xong. 

Phương pháp này đã giúp những người phạm tội đó có ý thức ngày càng tốt hơn, đồng thời nhiều tù nhân đã chia sẻ là thích đọc sách và giữ thói quen đó sau thời gian chịu hình phạt. 

Quay trở lại với sự việc trên, tôi thấy đây là một biện pháp rất văn minh, đặc biệt lại là dành cho các bạn đang ở lứa tuổi học sinh - lứa tuổi cần đọc và học nhiều kiến thức từ sách vở. Xét về khía cạnh tuổi tâm sinh lý, đây còn là biện pháp rất phù hợp với các em, không những tránh gây ra suy nghĩ, thái độ, hành vi tiêu cực khi bị xử phạt mà còn giúp giáo dục ý thức, nhận thức một cách tốt hơn. Tôi nghĩ đây là biện pháp nên được khuyến khích áp dụng trong các môi trường giáo dục".

Thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, hiện là giáo viên Sinh học tại Hà Nội cũng nêu quan điểm: "Việc làm này cũng có tính nhân văn và hiệu quả nhất định nếu như được tổ chức một cách bài bản, khoa học. Tuy nhiên, hình phạt có thể phản tác dụng nếu như quy trình tổ chức không khéo léo, không hợp lý".

Theo thầy Khánh, cần phải làm rõ hai vấn đề: "Một là làm thế nào để quản lý, giáo dục hiệu quả các đối tượng học sinh cá biệt, hay vi phạm kỷ luật, nội quy và quy định của nhà trường. Hai là làm thế nào để phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Chúng ta không nên gọi việc đọc sách là hình phạt, bởi vì nếu coi như thế thì sẽ thiếu tôn trọng đối với tri thức, sách vở và tác giả của những cuốn sách đó.

"Nên coi việc phải "viết ra cảm nhận đúng và chính xác về sách" mới là hình phạt, còn đọc sách là "cơ hội để viết được cảm nhận cho đúng và chính xác". Đồng thời có thể khiến một bộ phận học sinh cá biệt, lười học, vốn đã không ưa đọc sách này lại càng ghét đọc sách hơn. Chưa kể là trong một số trường hợp, học sinh thấy rằng hình thức xử phạt này quá nhẹ nhàng nên sẽ có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, nội quy và quy định của nhà trường nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.

Theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu rõ gốc của vấn đề và có thể đề xuất giải pháp triệt để hơn. Giáo dục bây giờ điều đầu tiên và cần thiết nhất vẫn là vấn đề dạy đạo đức cho các em rồi sau đó mới đến các môn khác, cần đưa môn Đạo đức vào các phần thi hoặc kiểm tra cùng các môn khác. Điều quan trọng tạo lên một con người có ích cho xã hội thì trước tiên là cần đạo đức.

Từ đó, các nhà trường cần lên kế hoạch phát triển văn hóa đọc xuyên suốt năm học, kéo dài từ khi học sinh bắt đầu từ đầu cấp cho đến cuối cấp; đa dạng hóa hình thức thể hiện; mời các chuyên gia, diễn giả về nói chuyện để tạo ra một sự đam mê, động lực đọc sách của học sinh một cách tự nhiên, chủ động và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể cho các em tự tìm hiểu về vấn nạn bạo lực học đường, hậu quả để lại cho người đánh và người bị đánh, viết bài cảm nhận đặt mình vào trường hợp mình bị đánh, trình bày trước thầy cô, thậm chí là đại diện bên cơ quan an ninh.

Tôi nghĩ có như vậy thì các em mới thấu hiểu hết hậu quả của bạo lực học đường và khi có thêm công an thì càng nâng cao tính răng đe hơn nữa, dạy cho các em phải biết thượng tôn pháp luật từ nhỏ.

Từ những vấn đề này, không khó để xã hội nhận ra ngành Giáo dục đang thiếu cán bộ, giáo viên tâm lý học đường. Ở đó, giáo viên hướng dẫn, tiếp thu ý kiến, đánh giá tâm lý học sinh, theo dõi hành động, biểu hiện, thể trạng để can thiệp tư vấn học sinh ngay. Có nhiều học sinh vì buồn chuyện gia đình, bị bạn bè xa lánh, học hành sa sút nhưng lại không biết chia sẻ với ai, dẫn đến những hành động bộc phát, nổi loạn".

Trả lời đại biểu quốc hội mới đây, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ.

"Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường. Học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý", ông Sơn nói.

Theo quy định, việc kỷ luật học sinh vi phạm hiện gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem