Nhân sự kiện chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV, phóng viên NTNN đã trao đổi với GS-TSKH Vũ Minh Giang quanh sự kiện ý nghĩa này.
GS-TSKH Vũ Minh Giang . Ảnh: L.K
Kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta, 118 Chủ tịch Ủy ban hành chính các cấp ở Hà Nội đã ký vào một bản đề nghị với nội dung Hồ Chủ tịch không phải ra ứng cử. Văn bản này ghi “Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Tuy nhiên Hồ Chủ tịch vẫn ra ứng cử. GS đánh giá thế nào về sự kiện này?
- Sự kiện Hồ Chủ tịch quyết định vẫn tham gia ứng cử ĐBQH khóa I (1946) giống như một ứng cử viên thông thường có ý nghĩa rất đặc biệt. Mặc dù trước đó đã có rất nhiều thư của các địa phương gửi Hồ Chủ tịch với đề nghị tha thiết, vừa là thỉnh cầu vừa là lý luận rằng với uy tín của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh hoàn toàn xứng đáng tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch.
Hồ Chủ tịch từng là ứng cử viên và là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội: Quốc hội khóa I (1946 - 1960), Quốc hội khóa II (1960 - 1964) và Quốc hội khóa III (1964 - 1971).
|
Các thư này cũng nói rõ ở thời điểm phức tạp này, có những người không thiện chí, các thế lực phá hoại rất nhiều, việc tham gia ứng cử ĐBQH của Hồ Chí Minh đôi khi có những rủi ro. Trước những ý kiến đề nghị trên, Người đã chân thành cảm ơn tấm lòng của đại diện các địa phương. Tuy nhiên Người vẫn quyết định ra ứng cử theo đúng quy định của tiến trình Tổng tuyển cử. Người lý giải: Tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định.
Sau khi giành được chính quyền, mặc dù còn trăm công nghìn việc, đứng trước tình thế đất nước vô cùng khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc", ngày 6.1.1946, chúng ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng tuyển cử lịch sử. Điều này mang ý nghĩa muốn chính quyền cách mạng phải được thừa nhận là một chính quyền hợp hiến, hợp pháp. Chính quyền đó phải được nhân dân bầu ra mới có tư cách đại diện cho một dân tộc, một quốc gia trên trường quốc tế, đây là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh.
Quay trở lại với việc Cụ Hồ ra ứng cử ĐBQH, nếu như trước đề nghị nêu trên mà Người thấy có sự ái ngại nào đó và không ra ứng cử, rồi bằng cách này, cách kia để đứng đầu Chính phủ mới thì rõ ràng uy tín, quyền lực của người đứng đầu đó sẽ không thể như người được nhân dân bầu ra. Trên thực tế Hồ Chí Minh đã trúng cử ĐBQH khóa I với số phiếu rất cao, 98,4%.
Với ý nghĩa đó chúng ta phải hiểu, việc này không chỉ thể hiện tính cách một con người mà còn thể hiện tầm nhìn, tư duy của Người về nhà nước pháp quyền, luật pháp phải là tối thượng. Bất cứ ai dù uy tín đến đâu, quyền lực đến đâu cũng phải đặt dưới pháp luật. Đó được xem như điểm son trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền.
Hồ Chủ tịch bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội. Ảnh: T.L
Khi đi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, Hồ Chủ tịch đã thể hiện như thế nào để được cử tri tin tưởng, thưa GS?
- Có thể thấy một trong những sự vĩ đại của Hồ Chí Minh là sự giản dị. Nếu luôn có suy nghĩ mình phải vượt lên trên người dân hay thể hiện chứng tỏ là người xuất chúng, sự giản dị sẽ mất đi. Ví dụ, tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa II (1960), khi cùng các ứng viên tiếp xúc cử tri tại Nhà hát Lớn Hà Nội (ngày 24.4.1960), Hồ Chủ tịch đã nói: Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào, và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt. Nói thế này mới đúng. Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta…
Trong những lúc tiếp xúc và thông qua gặp gỡ những nhóm người khi vận động bầu cử, Hồ Chí Minh luôn luôn nói rõ quan điểm của mình về nhà nước và quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Trong đó có nói tới việc người như thế nào xứng đáng vào Quốc hội, xứng đáng là thành viên Chính phủ: Đấy là người phải biết bỏ hết tư tưởng vị kỷ, tư lợi, tư tưởng làm quan để cai trị.
Người nói về tiêu chuẩn đối với một người tham gia Quốc hội, Chính phủ để dân hiểu chính bản thân Hồ Chí Minh sẽ là người như thế nào. Cách tiếp cận dân theo hướng gần gũi, giản dị, giải thích một cách rất đơn giản cho cử tri hiểu tiêu chuẩn về người đại biểu khiến cho cử tri tin cậy vào Hồ Chí Minh và những người tham gia vào Quốc hội và chính quyền.
Thưa GS, bước vào cuộc bầu cử sắp tới, đất nước ta cũng gặp phải những khó khăn nhất định, có kẻ xấu đang lợi dụng để chống phá. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết khó khăn nên thế nào?
- Nói đến việc áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết khó khăn, có thể thấy cái bất biến mà Người đã nêu ra trong các phương châm là phải tin ở dân. Bài học tin tưởng vào dân của những người lãnh đạo đất nước đi đôi với việc thể hiện tinh thần vì nước, vì dân sẽ góp sức cùng chính quyền vượt qua mọi khó khăn, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại.
Điều quan trọng không kém là những người lãnh đạo phải thể hiện bản lĩnh của mình, muốn thể hiện niềm tin vào nhân dân thì phải nói ra, trên báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng...
Chính quyền phải luôn luôn là của dân, bên cạnh dân, cùng chia sẻ với dân những lúc khó khăn, thể hiện rằng tất cả mọi việc dù khó khăn đến đâu thì chính quyền cũng sẽ vì dân để hành xử. Lúc đó chúng ta sẽ có sự tin cậy của dân, đấy chính là bài học quý giá nhất.
Xin cảm ơn GS!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.