76 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang Việt Nam mua thứ quả "tiến vua"

P.V Chủ nhật, ngày 01/05/2022 11:34 AM (GMT+7)
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Sở đã tiếp nhận thông tin của 76 thương nhân Trung Quốc đăng ký các thủ tục để thu mua vải thiều trong mùa thu hoạch vải 2022.
Bình luận 0

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến cuối tháng 4, đã có 76 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Bắc Giang thu mua vải thiều.

Để tạo điều kiện cho các thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải thiều thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đã lập danh sách chi tiết để gửi đến Bộ Công an hướng dẫn các thủ tục xuất nhập cảnh.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng dự báo, số thương nhân Trung Quốc đăng ký sang Việt Nam thu mua vải thiều sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Mùa thu hoạch vải thiều các năm trước, có hàng trăm doanh nhân Trung Quốc đã đăng ký đến Bắc Giang tham gia thị trường thu mua vải thiều.

Năm 2022, Bắc Giang có 28.300 ha diện tích trồng vải, tổng sản lượng ước tính khoảng 160.000 tấn. Trong đó, vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap 15.400 ha, sản lượng ước đạt khoảng 112.900 tấn. Vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap có 82 ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.000 tấn. 

Trong đó, vải chín sớm có sản lượng khoảng 50.000 tấn; vải chính vụ khoảng 110.000 tấn. Dự kiến từ ngày 18/5, Bắc Giang sẽ bắt đầu thu hoạch vải thiều chín sớm, được trồng tại huyện Tân Yên.

Vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2022 sẽ thực hiện các yêu cầu, quy định trong Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, áp dụng từ ngày 1/1/2022.

76 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang Việt Nam mua thứ quả "tiến vua" - Ảnh 1.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận thông tin của 76 thương nhân Trung Quốc đăng ký các thủ tục để thu mua vải thiều trong mùa thu hoạch vải 2022. Trong ảnh: Nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang) chăm sóc vải thiều. Ảnh: K.N

Nhằm thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả theo đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa có Công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở NNPTNT chủ trì tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ NNPTNT trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các địa phương, tổ chức, cá nhân quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật về xuất khẩu nông sản của nước nhập khẩu, quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh việc xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào chương trình, kế hoạch hành động phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Tổ chức thực hiện Chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ đạo sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn đối với các vùng trồng cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, đặc biệt chú trọng chỉ đạo và giám sát các cây trồng chính như: Vải thiều, nhãn, cây có múi, rau an toàn, rau chế biến…

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đốn đốc các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp giả danh, cho mượn, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không đúng quy định; tổng hợp đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tiến hành thu hồi hoặc hủy mã vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo tiêu chuẩn.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở đóng gói, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hoạt động liên quan gian lận thương mại và vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

UBND các huyện, thành phố xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giai đoạn 2022-2025.

Xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu tại địa phương; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. 

Chủ động phối hợp với Sở NNPTNT, các cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT thiết lập và bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và xử lý các cảnh báo của nước nhập khẩu về việc không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hoặc phòng, chống Covid-19. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem