Thành công này đặt tiền đề để cho những đứa trẻ bất hạnh có cơ hội chào đời vì từ trước đến nay, những ca sản như thế đều được các bác sĩ khuyên bỏ hoặc cha mẹ vì lo lắng con bị dị tật, khó phát triển bình thường… nên tự nguyện đi phá thai.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (bên trái), chia sẻ về phương pháp phẫu thuật EXIT…
Trăn trở vì những đứa trẻ không có cơ hội… chào đời
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, trong một cuộc họp chuyên môn Sản - Nhi, ông và các bác sĩ đều rất trăn trở về việc điều trị những em bé bị chèn ép đường thở sau khi ra khỏi bụng mẹ, khi các bác sĩ chưa kịp trở tay thì các em đã tím tái và qua đời. Vì vậy, khi biết ở Bệnh viện Từ Dũ có trường hợp một bé sắp sinh nhưng có dị tật bướu hạch bạch huyết ở cằm và nguy cơ tử vong gần như chắc chắn vì ở Bệnh viện Từ Dũ - Bệnh viện Phụ sản đầu ngành ở phía Nam - đã xảy ra một số trường hợp tương tự nhưng chưa cứu được.
"Những trường hợp như thế này, nếu em bé được giải áp đường thở, đặt nội khí quản ngay trong phòng sinh khi vẫn còn dây rốn thì khả năng cứu sống rất cao, sau đó tiến hành điều trị các bước tiếp theo vì bướu hạch bạch huyết là bướu lành nên trẻ sẽ hoàn toàn có thể bình thường như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, từ trước đến nay, các trường hợp tương tự đều được các bác sĩ tư vấn bỏ thai từ sớm, hoặc cha mẹ vì lo lắng con bị dị tật khi ra đời nên cũng chủ động yêu cầu bỏ thai. Xót xa lắm khi những đứa trẻ đó hoàn toàn có thể cứu được…”, bác sĩ Hiếu, trăn trở.
Và, sau nhiều lần gặp gỡ, hội chẩn cùng đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viên Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Hiếu đã đề xuất áp dụng phương pháp mổ kỹ thuật EXIT (Extrauterine Intrapartum Treatment - Xử lý ngoài tử cung trong lúc sinh). Phương pháp này là ngay khi bé mới “nhú” ra khỏi tử cung, vẫn đang còn dây rốn và nhau thai người mẹ chưa bong khỏi tử cung, các bác sĩ sẽ can thiệp để phẫu thuật đặt nội khí quản cho bé thở, trước khi nhau thai người mẹ bị bong ra hoàn toàn (chỉ chưa tới 10 phút).
“Cái khó của ca mổ là chỉ trong vòng 5-8 phút, các bác sĩ phải mổ thông đường thở cho em bé trước khi cắt rốn. Càng khó hơn là nếu không hoàn thành ca phẫu thuật trong thời gian ngắn như thế, khi bánh nhau sản phụ tự bong (trong vòng 10 phút) sau khi bé chào đời thì sản phụ sẽ bị mất rất nhiều máu, nguy cơ mất tử cung, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng. Trong khi đó, em bé có dị tật bướu hạch bạch huyết ở cằm, chèn đường thở, khi cắt dây rốn bé không thở được thì sẽ chết. Tất cả những yếu tố đó khiến chúng tôi phải hội chẩn đi, hội chẩn lại trước khi quyết định phải làm tốt ca phẫu thuật để… mẹ tròn, con vuông”, ông Hiếu, chia sẻ.
8 phút “vàng” và cơ hội mở ra cho những đứa trẻ bất hạnh
8h sáng ngày 21.1, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ cùng vào cuộc cho ca mổ chỉ “cho phép” 5 – 8 phút đồng hồ. Phòng mổ lớn nhất Từ Dũ được chọn để bác sĩ tiền sản của Bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ ngoại nhi của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đủ điều kiện cùng thao tác song song, dự trù máu sẵn, dự trù khả năng phải cắt tử cung sản khoa.
Bé gái ra đời khỏe mạnh với vết u lớn nhưng sẽ được phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.
“Ban đầu, các bác sĩ của ekip mổ dự định gây mê, giúp bệnh nhân ngủ sâu nhưng sau khi bàn bạc, chúng tôi dự đoán những tình huống bất lợi là có thể ảnh hưởng sức khỏe bé lẫn mẹ, sau mổ phải lo hồi sức mẹ. Sau khi cân nhắc bàn bạc, các bác sĩ của 2 bệnh viện tham gia ca mổ đã quyết định gây tê ngoài màng cứng để mổ đưa em bé ra”, bác sĩ Phan Thanh Bình, Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.
Cũng theo bác sĩ Bình, cái khó nữa là đường rạch đòi hỏi phải tính toán hợp lý, vừa thuận tiện để can thiệp bé, vừa không tổn thương khối bướu vì khối bướu này còn lớn hơn cả phần đầu của em bé.
Ngay sau khi bé vừa nhô phần đầu và vai ra khỏi bụng mẹ, vẫn còn nguyên dây rốn, ekíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 do bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện đích thân tham gia phẩu thuật, khẩn cấp đặt nội khí quản giúp thở cho bé.
Sau 8 phút, bé gái được đặt nội khí quản thành công. Bác sĩ tiến hành kẹp cắt dây rốn. Sản phụ được nhanh chóng cho gò tử cung, bóc nhau để tránh mất máu quá nhiều. May mắn lượng máu mất chỉ 400 ml, như một ca sinh thông thường nên không cần truyền máu.
Khoảng 10h sáng, bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị bướu. Theo đó, dự kiến bé sẽ được mổ khối bướu trong một hai ngày tới.
“Qua thành công này, chúng tôi mong muốn thông tin được chia sẻ rộng đến các bậc cha mẹ, chúng tôi muốn nói rằng, với kỹ thuật hiện nay thì chúng tôi hoàn toàn có thể cho các bé cơ hội chào đời bằng phương pháp EXIT này. Hơn nữa, cũng nhắn nhủ các bậc cha mẹ, những trường hợp u như trên hoàn toàn có thể được chữa khỏi và các bé sẽ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Hãy cho các thiên thần có cơ hội chào đời…”, bác sĩ Hiếu tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.