Các thí nghiệm vốn được thực hiện vì lợi ích của khoa học, vì lợi ích của nhân loại, để cuộc sống con người càng tiến bộ. Tuy nhiên, điều đó lại không phải là mục tiêu của những thí nghiệm dưới đây.
Những thí nghiệm trên cơ thể người
1. “Thiến người” để đánh giá khả năng chịu đựng
Khoảng 400 thí nghiệm rùng rợn đó thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng với hàng ngàn nạn nhân.
"Cha đẻ" các chương trình thí nghiệm là thống chế Himmler, chỉ huy trưởng lực lượng Schutzstaffel - tổ chức vũ trang tàn ác nhất của Đức Quốc xã. Và nạn nhân chính là các tù nhân ở mọi độ tuổi, không trừ một ai.
Già, trẻ, gái, trai dù đang khoẻ mạnh cũng bị đè ra chích mầm bệnh dịch hạch vào cơ thể với liều lượng tăng dần; rồi cơ thể phải phơi ngoài tuyết lạnh cho chết cóng; nhiều đàn ông bị "thiến" không thương tiếc hoặc bị bắn đạn chứa chất độc…
Mục đích những trò thí nghiệm quái đản này chỉ để đánh giá khả năng chịu đựng của cơ thể người!
2. Những cuộc giải phẫu sống
Ý tưởng của thí nghiệm điên rồ này xuất phát từ Đơn vị 731, là lực lượng mật phục vụ nghiên cứu về chiến tranh sinh học và hóa học, và cũng là đơn vị khét tiếng nhất về các tội ác chiến tranh từng thực hiện bởi phát xít Nhật.
Nạn nhân không ai khác vẫn chính là những tù nhân xấu số. Các "nhà khoa học" ở đây tiến hành giải phẫu sống trên các tù nhân đó mà không cần thuốc gây tê để nghiên cứu bệnh.
Họ khoét mổ phần thân giữa của các tù nhân, sau đó cấy mầm bệnh sốt Rickettsia và bệnh dịch tả. Những người sống sót sẽ bị treo cổ tới chết.
3. Thí nghiệm triệt sản
Thí nghiệm điên rồ trái với quy luật tự nhiên này được thông qua bởi Luật Phòng chống gen khiếm khuyết Progeny của Đức Quốc xã ngày 14/7/1933 với mục đích tránh các nguồn gen xấu bị di truyền lại qua các thế hệ sau.
Và 300.000 người trong các trại tập trung khi đó đã trở thành vật thí nghiệm bất đắc dĩ. Họ được đưa vào phòng và phải điền một mẫu đơn đăng ký với mục đích đánh lừa họ.
Các phương thức triệt sản bao gồm: phẫu thuật X-quang, sử dụng thuốc hoặc tiêm i-ốt và nitrat bạc vào cơ thể. Điều này để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng như chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội hay ung thư cổ tử cung.
Về sau, các bác sĩ ở đây ưu tiên sử dụng phương thức triệt sản phóng xạ. Họ làm cho căn phòng bị nhiễm phóng xạ và khiến tù nhân bị triệt sản hoàn toàn. Một số thì bị bỏng phóng xạ rất nặng.
4. Thí nghiệm trên các cặp song sinh
Bác sĩ "tử thần" của trại tập trung Auschwitz (Đức Quốc xã) Joseph Mengele chính là “cha đẻ” của thí nghiệm này với mục đích tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong gen của các cặp song sinh.
Đã có khoảng 1.500 cặp song sinh bị đưa đến để phục vụ cho thí nghiệm. Tất cả họ đều bị nhốt trong các doanh trại suốt quá trình.
Các bác sĩ ở đây thực hiện những phương thức vô cùng đáng sợ: Tiêm thuốc nhuộm vào mắt các cặp song sinh để theo dõi sự đổi màu của mắt có diễn ra không, truyền máu giữa 2 anh em của một cặp song sinh để kiểm tra tương thích máu.
Và ghê rợn hơn là khâu người các cặp song sinh lại với nhau để tạo ra các cặp song sinh dính liền. Cuối cùng, chỉ có khoảng 200 cặp sống sót.
Những thí nghiệm trên động vật
1. Thí nghiệm thuốc gây nghiện trên loài khỉ
Những chú khỉ bị đem làm thí nghiệm với mục đích đơn thuần chỉ để chứng minh ảnh hưởng của chất gây nghiện tới con người. Những phương thức dùng trong thí nghiệm này đã vượt khỏi các chuẩn mực đạo đức với loài vật.
Những con khỉ được huấn luyện để có thể tự tiêm các chất gây nghiện như mooc-phin, cocaine, codein, rượu và amphetamine vào cơ thể. Khi đã thành thục, có thể tự tiêm được thì các chuyên gia đưa cho chúng một lượng lớn thuốc để sử dụng.
Dĩ nhiên, những con khỉ bị nghiện và có những phản ứng tiêu cực như: tự làm tay mình bị thương, co giật khi dùng cocaine, tự bứt hết lông ở cánh tay và bụng, tự bẻ ngón tay do ảo giác…
Trường hợp con khỉ sử dụng cả cocaine và mooc-phin trong 2 tuần liền sẽ bị chết.
2. Thí nghiệm “chế tạo” mèo điệp viên
Chính phủ Mỹ từng mong muốn đào tạo được mèo điệp viên nên đã tiến hành thí nghiệm huấn luyện một con mèo trong vòng 5 năm trời.
Không chỉ dừng lại ở việc việc huấn luyện, họ còn cấy ghép một thiết bị nghe lén và kiềm chế cảm giác đói vào trong con mèo - đó là một cái ăngten chạy bằng pin được cấy vào bên trong đuôi của con mèo tội nghiệp.
Thí nghiệm thất bại thảm hại, trong một đợt thực nghiệm trên đường phố, con mèo đã lao vào một chiếc taxi và chết tại chỗ.
3. Thí nghiệm trên loài thỏ
Mục đích của thí nghiệm là dùng để đo mức độ kích ứng trên da, tổn hại trên mô nhạy cảm và độc tố của những chất khác nhau được sử dụng làm mỹ phẩm.
Các chuyên gia sử dụng chất có khả năng ăn mòn trực tiếp để thử trên mắt của nhiều con thỏ, qua đó nhằm đánh giá tình hình mô mắt bị hủy hoại như thế nào.
Sau khi bị nhỏ những hóa chất như trên mà không có thuốc an thần hỗ trợ, những con thỏ gần như lập tức phát ra những tiếng kêu đau đớn, thậm chí chúng còn gãy cả cổ hay lưng vì cố gắng vùng vẫy thoát khỏi sự kìm kẹp của các dụng cụ nghiên cứu.
Sau thí nghiệm, những chú thỏ này phải đối mặt với những nỗi đau từ hiện tượng nổi ban đỏ, phù nề, chảy mủ, loét, xuất huyết và mù lòa, thậm chí có thể dẫn đến cái chết.
4. Thí nghiệm sử dụng phương pháp “kiềm chế”
Thí nghiệm này áp dụng cho loài khỉ. Chúng sẽ bị khóa tay và nhốt vào lồng hẹp, kín rồi ép lại. Ngoài ra, chúng còn bị tiêm thuốc ketamine, thuốc an thần để hạn chế phản ứng chống cự.
Bất chấp những nỗi đau đớn loài khỉ phải chịu đựng, các chuyên gia tiếp tục sử dụng chất độc thần kinh để gây tổn thương cơ thể loài khỉ y như một bệnh nhân thật. Sau đó tiến hành thử nhiều loại thuốc nhằm chữa trị căn bệnh đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.