Ký ức kinh hoàng của các nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao"

Hoàng Lộc Thứ tư, ngày 06/07/2022 07:56 AM (GMT+7)
Sau khi được đưa trở về Việt Nam thành công, các thanh thiếu thiên tại tỉnh Gia Lai bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi.
Bình luận 0

Vay nợ để chuộc nạn nhân về

Theo chân lãnh đạo UBND xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi tìm đến nhà anh Pui Th. (28 tuổi, trú tại làng Kloong, xã Ia O) để tìm hiểu việc Thái bị lừa bán sang Campuchia vào cuối tháng 6 và mới trở về nhà hôm 3/7.

Khi được hỏi về quá trình sang Campuchia và hành trình quay trở về, anh Th. cho hay, có một người quen biết ở trong làng giới thiệu với anh rằng ở TP.HCM có công việc hấp dẫn với mức lương từ 18-20 triệu đồng. Do vậy anh đã bắt xe vào trong TP.HCM để gặp Trần Quang Quyết (21 tuổi, trú tại xã Ia Dal, huyện Ia H'drai, tỉnh Kon Tum) và được người đàn ông này đưa xuống cửa khẩu dưới Tây Ninh và vượt biên sang Campuchia.

Các nạn nhân tại Gia Lai kể về ký ức bị lừa bán sang Campuchia - Ảnh 1.

Puih Ph (trái) và Pui Th - 2 trong số 7 nạn nhân tại làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị lừa sang Campuchia làm việc nay đã được trở về nhà an toàn. Ảnh: H.L

Ở xứ người, anh Th. được các đối tượng giao sử dụng tài khoản Facebook, Zalo để tìm người và lừa đảo sang Campuchia làm việc.

"Tuy nhiên, em không biết gì về máy tính cả nên có nói với họ là không làm được việc này. Vì thế em bị đánh đập, bỏ đói nhiều ngày. Sau đó, bọn họ nói em gọi về nhà gửi 90 triệu đồng sang chuộc rồi mới thả về. Quá sợ hãi, em đã gọi điện về cho chị gái để xoay sở tiền chuộc. Vì số tiền quá lớn, gia đình không có khả năng trả nên chị em đã vay mượn của hàng xóm rồi gửi tiền sang cho bọn họ. Khi bọn họ nhận được tiền thì em được thả về", anh Th. bộc bạch.

Cũng theo Th., trong gia đình anh còn có em trai Puih Đ. (24 tuổi) cũng bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc và bị đánh đập do không hoàn thành công việc.

"Hôm nọ, bên Campuchia yêu cầu nộp tiền chuộc 65 triệu đồng. Chị gái em tiếp tục đi vay mượn hàng xóm và trả cho bọn họ. Hiện, em ấy đã được thả và đang trên đường trở về nhà. Bọn em giờ thấy hối hận vì đã nghe theo Quyết sang bên đó làm việc. Giờ về nhà rồi, hai anh em sẽ cố gắng kiếm một công việc nào đó để làm, nuôi sống bản thân và gia đình", Th. nói thêm.

Không nộp tiền chuộc, tính mạng bị đe dọa hoặc bán sang nơi khác

May mắn hơn Kuip Th., Kuip Ph. (16 tuổi, trú cùng làng) đã trốn thoát được từ Campuchia về Việt Nam mà không phải đóng tiền chuộc. Tiếp xúc với chúng tôi, trên người Ph. đầy rẫy vết thâm tím bởi những lần bị đánh đập.

Ph. kể rằng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ. Sau đó, em về nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy nhưng thu nhập chẳng thấm là bao. Tình cờ trong 1 lần nói chuyện với hàng xóm thì có công việc ở trong TP.HCM lương cao, do vậy, em cùng 4 người khác rủ nhau đi.

Vì sợ gia đình lo lắng và ngăn cản nên em đã bí mật trốn đi trong đêm. Sau đó, nhóm thanh niên được đưa sang Campuchia làm việc.

"Mỗi ngày chúng em phải làm từ 9h sáng đến 10 giờ đêm mới được nghỉ. Nếu không làm đủ chỉ tiêu, phải làm bù cả đêm. Em được giao công việc là lập tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên sàn đầu tư tài chính nhằm lừa chiếm đoạt tiền của mọi người. Việc này phải đến sử dụng về máy tính nhưng mà tụi em không rành về cái này nên bị bọn họ đánh đập. Có lần bọn họ còn dùng dùi cui, chích điện vào người em đến ngất xỉu. Sau đó, bọn họ bảo em gọi về nhà gửi 100 triệu đồng tiền chuộc thì mới cho về. Lợi dụng sơ hở, em may mắn trốn ra ngoài rồi băng theo đường rừng về đến Việt Nam an toàn", Ph. sợ hãi kể.

Các nạn nhân tại Gia Lai kể về ký ức bị lừa bán sang Campuchia - Ảnh 2.

Chính quyền đến nhà các nạn nhân để động viên, trấn an tinh thần và vận động họ yên tâm sản xuất. Ảnh: H.L

Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, Th. và Ph. là 2 trong tổng số 7 thanh niên tại làng Kloong bị sập bẫy lừa đảo sang bên Campuchia làm việc. Hiện 5 thanh niên còn lại cũng đã thoát khỏi các đối tượng lừa đảo và lực lượng Bộ đội Biên phòng đang hoàn tất các thủ tục với nước bạn Campuchia để đưa họ trở về nước.

Cũng theo lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, 7 nạn nhân ở làng Kloong bị đối tượng Trần Quang Quyết dụ dỗ sang Campuchia. Quyết sau đó đã đến Đồn Biên phòng Ia O trình diện. Qua đấu tranh ban đầu, đối tượng này đã thừa nhận việc dụ dỗ, đưa 7 công dân ở làng Kloong vượt biên trái phép sang Campuchia làm việc. Trước đó, Quyết cũng sa bẫy "việc nhẹ lương cao" biên kia biên giới.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết, thời gian tới xã đến từng nhà các nạn nhân trở về từ Campuchia để trấn an, động viên tinh thần và vận động họ yên tâm lao động, sản xuất . Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân trên địa bàn tuyệt đối không nghe theo những lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" để sang nước ngoài làm việc.

"Xã sẽ làm việc các công ty cao su đứng chân trên địa bàn để nhận người dân vào làm việc, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, xã cũng sẽ liên kết với các cơ sở dạy nghề để qua đó tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, tránh các vụ việc lừa đảo như vừa rồi", ông Tuâng nói.

Như Dân Việt đã nhiều lần phản ánh trước đó, nhiều lao động tại tỉnh Gia Lai, đặc biệt là thanh thiếu niên vì tin tưởng "việc nhẹ lương cao" nên đã chấp nhận sang Campuchia làm việc.

Công việc của các lao động là lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam và người dân các nước khác.

Các nạn nhân bị ép thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt từ 1.000 USD/tháng. Nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà cầu cứu, yêu cầu gửi tiền chuộc thân. Các nạn nhân chỉ được thả khi gia đình đã nộp hàng trăm triệu đồng để chuộc người.

Ngoài 7 thanh niên tại làng Kloong, nhiều thanh thiếu niên tại các huyện Mang Yang, Chư Prông... của tỉnh Gia Lai cũng dính bẫy lừa đảo này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem