Nhiều công trình xuống cấp nhanh
Trong các chương trình đầu tư đó, chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La có sự đóng góp rất lớn bởi nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí bắt buộc hàng đầu phải được đầu tư trước khi đón dân về nơi ở mới. Với chương trình này, hơn 12.500 hộ dân tái định cư và hàng ngàn hộ dân sở tại-nơi đón dân cư đã được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, nhiều công trình sau một thời gian đưa vào khai thác thì hiệu quả sử dụng bị giảm sút, bởi ý thức quản lý bảo vệ các công trình và nguồn nước của người dân chưa cao.
Công trình nước sinh hoạt vận hành kém nên người dân bản Phiêng Hỳ vẫn phải đi lấy nước từ nơi khác về sử dụng. Ảnh: K.T
Đến bản Phiêng Hỳ, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, thấy bà con phải đi lấy nước ăn hàng ngày từ một vòi nước được dẫn về bản khác. Hỏi ra đươc biết: “Công trình nước sinh hoạt ở đây được xây dựng khá hoàn thiện, trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ sau vài năm là mất nguồn nước nên dân bản phải đi xin nước từ bản khác về” – chị Giàng Thị Dâu, dân bản Phiêng Hỳ, nói.
Xã Phiêng Hỳ không phải là trường hợp duy nhất có hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư hoàn thiện nhưng phát huy hiệu quả chưa cao. Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn cho hay: Hiện có không ít công trình nước sinh hoạt ở địa phương đang phát huy hiệu quả rất kém hoặc không còn tác dụng và đang hư hỏng dần. Nguyên nhân từ các nhóm, cộng đồng dân cư các bản làng được đầu tư hệ thống nước chưa nâng cao ý thức tự quản của mình, nên có khi chỉ những hỏng hóc nhỏ ban đầu như tắc nguồn nước do rác thải, đứt ống dẫn nước do trâu, bò, dê phá phách; hỏng một van, khóa nào đó trong hệ thống bể… nhưng không được khắc phục kịp thời, dẫn tới đường nước ngày một hư hỏng nặng hơn.
Nâng cao ý thức cho người dân
Nguyên nhân chính là dân cư các bản làng được đầu tư hệ thống nước chưa nâng cao ý thức tự quản của mình, nên có những hỏng hóc nhỏ nhưng không được khắc phục kịp thời, dẫn tới đường nước ngày một hư hỏng nặng hơn...
|
Ông Trần Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La cho hay: Chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng có nhiều hệ thống nước sinh hoạt kém phát huy hoặc không phát huy hiệu quả sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng. Nhưng trên thực tế khi đi kiểm tra thì thấy phần lớn những hỏng hóc ấy là không đáng kể, chỉ cần sửa chữa, khắc phục nhỏ hoặc nạo vét, khơi thông đầu nguồn là có nước; thậm chí không ít trường hợp chính người dân đã điều chỉnh nguồn nước vào gia đình mình để sử dụng vào việc khác như làm vườn, nuôi cá...
Theo ông Hải, vấn đề đặt ra là mỗi công trình nước sinh hoạt sau khi hoàn thành bàn giao cho người dân địa phương sử dụng, phải có một tổ hợp tác dịch vụ ở chính địa bàn đó để điều chỉnh mức nước, tuần tra, bảo vệ, hướng dẫn vận hàng, duy tu bảo dưỡng… Kinh phí để những nhóm hợp tác này hoạt động sẽ lấy từ tiền sử dụng nước của mỗi hộ với mức thu hợp lý. “Chỉ có cách đó mới phát huy tốt nhất các công trình nước sinh hoạt. Chính trung tâm chúng tôi cũng đã và đang áp dụng mô hình HTX dịch vụ nước này để quản lý, vận hành và bảo vệ các công trình mà chúng tôi đầu tư, để mang lại hiệu quả cao hơn” – ông Hải khẳng định vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.