9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy: Ai trả tiền cho trái chủ?
9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy: Công ty chứng khoán, ngân hàng nào phải trả tiền cho trái chủ?
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 06/04/2022 14:03 PM (GMT+7)
Sau khi 9 lô trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị buộc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư vì công bố thông tin sai sự thật, giới đầu tư thắc mắc đơn vị nào sẽ phải trả tiền cho trái chủ, khi nào thì phải trả?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trong 9 lô trái phiếu của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông và Công ty Soleil, bị buộc phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đa phần đều có "bóng dáng" của các công ty chứng khoán, ngân hàng.
Cụ thể, trong 9 lô trái phiếu này, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) giữ nhiệm vụ quản lý tài sản bảo đảm cho 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.530 tỷ đồng do các công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng làm công việc tương tự với 2 lô trái phiếu (lô thứ 9 chưa được công bố thông tin).
Ngoài ra, trong các thương vụ trên, các công ty chứng khoán có mối quan hệ với các ngân hàng như Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán An Bình (ABS), Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), Chứng khoán KIS và Chứng khoán Everest (EVS) cũng tham gia vai trò là tư vấn hồ sơ chào bán kiêm đại lý phát hành trái phiếu, tổ chức đăng ký và lưu ký trái phiếu... liên quan đến các lô trái phiếu trên.
Ngay sau khi thông tin 9 lô trái phiếu này bị hủy, hàng loạt các công ty chứng khoán như: Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán An Bình (ABS), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã lên tiếng cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm với các lô trái phiếu này đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc đơn vị nào sẽ phải trả tiền cho trái chủ sau khi 9 lô trái phiếu này bị hủy, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, tùy vào hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu. Nếu công ty chứng khoán hay ngân hàng nào tư vấn theo kiểu "bảo lãnh thanh toán", khi 9 lô trái phiếu này bị hủy thì đơn vị đó sẽ phải đứng ra thay cho Tân Hoàng Minh thanh toán tiền cho các trái chủ.
"Theo tôi biết, đa số các công ty, ngân hàng đều ký với Tân Hoàng Minh theo kiểu hợp đồng môi giới mà thôi. Có nghĩa là chỉ giới thiệu với khách hàng mua các trái phiếu đó, thì việc thanh toán này sẽ là trách nhiệm của Tân Hoàng Minh chứ không phải là trách nhiệm của ngân hàng hay công ty chứng khoán.
Còn cá biệt nếu có đơn vị nào ký hợp đồng bảo lãnh thanh toán thì sẽ phải đứng ra chi trả", ông Phương nói.
Trong khi đó, LS. Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Dân Luật Tín Thành (thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, quy định tại Khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành.
Đồng thời, tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ.
Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng với nhà đầu tư.
"Nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đầu tư vào các mục đích khác thì sẽ rất khó xử lý, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc", luật sư Lê Bá Thường, bình luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.