Ngoài ra, Trung cũng là người đã sáng lập ra dự án “Nuôi em”. Dự án này đã giúp cho hơn 7.000 trẻ em nghèo ở Điện Biên được ăn bữa cơm trưa có thịt tại trường. Với chàng trai 9x này thì thiện nguyện đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Sẵn sàng làm tất cả chỉ để có tiền thiện nguyện
Chia sẻ về duyên cớ dẫn bản thân tới những việc làm thiện nguyện, chàng trai trẻ Hoàng Hoa Trung bảo rằng: “Ai cũng có sẵn trong mình những đam mê. Người khác có thể mê đàn, mê hát, mê công nghệ… còn mình thì mê làm từ thiện. Niềm đam mê ấy không chỉ thỏa mãn mình mà còn có ích cho nhiều người khác thì không có lý do gì mà mình không theo đuổi”.
Ban đầu khi gia nhập Nhóm thiện nguyện Niềm Tin, Trung cùng nhiều thành viên khác chủ yếu hoạt động ở thành phố. Sau này địa bàn hoạt động của nhóm ngày được mở rộng ra và họ tìm đường lên núi. Địa điểm khảo sát đầu tiên của nhóm là tỉnh Yên Bái.
Trong một chuyến đi khảo sát đối tượng để giúp đỡ ở Nậm Bồ.
Mục đích ban đầu của nhóm khi lên núi cũng chỉ là giúp người dân nơi đây có thêm nhu yếu phẩm. Nhưng chính những chuyến đi thực tế ấy khiến Trung và các thành viên trong nhóm hiểu rằng “chỉ có đem lại kiến thức cho những đứa trẻ thì mới mong một tương lai tươi sáng hơn”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy Nhóm tình nguyện Niềm Tin đã đặt ra mục tiêu xây điểm trường cho những học sinh vùng cao.
Điểm trường đầu tiên Nhóm Niềm Tin xây tặng trẻ em vùng cao là ở Sơn La. Số tiền dự kiến để hoàn thành điểm trường này là 160 triệu đồng, nhóm may mắn được một trường mầm non quốc tế ủng hộ 100 triệu. 60 triệu còn lại Trung và bạn bè phải tự xoay. Thế là chiến dịch “góp gạch xây trường” được mở ra, mỗi viên gạch tương đương với 20.000 đồng. Cuối cùng điểm trường đầu tiên cũng đã được hoàn thành trong niềm vui sướng vô bờ của các thành viên Nhóm Niềm Tin.
Tuy nhiên cũng sau lần kêu gọi quyên góp này Trung nhận ra rằng, việc kêu gọi ủng hộ bằng tiền mặt nhiều khi sẽ gây sự khó chịu đối với người quyên góp. Từ đây Trung và các thành viên trong nhóm quyết định sẽ kêu gọi bằng hiện vật.
Nhiều năm qua, nhà Trung luôn như một cái kho, chứa các loại quần áo, sách vở mới cũ. Quá quen với việc Trung hoạt động thiện nguyện nên bạn bè, người quen hễ ai có thứ gì không dùng tới lại mang đến cho chàng trai 9x này. Những thứ này sẽ được Trung đem bán cho những người nghèo với giá rẻ như cho.
Trung nhớ lại: “Có lần mình được cho cả xe tải quần áo cũ. Số quần áo này mình và các thành viên trong nhóm quyết định sẽ không mang lên vùng cao để phát vì chi phí vận chuyển cao và hơn nữa do đặc thù văn hóa nên nhiều người vùng cao họ không mặc quần áo của người miền xuôi. Chúng mình quyết định sẽ mang số quần áo đó đi bán cho người nghèo với giá chỉ 1.000 đồng/ chiếc. Lần đó nhóm của mình bán được gần 3 triệu đồng”.
Để có tiền gây quỹ từ thiện Trung không nề hà bất cứ công việc gì, miễn việc làm đó chính đáng. Một lần đi qua chân cầu Vĩnh Tuy thấy hàng trăm con bò đang được chăn thả, Trung bất chợt nảy ra ý tưởng sẽ đi gom số phân bò đó bán cho những người trồng trọt.
Hay một lần khác khi cùng bạn bè đến làng gốm Bát Tràng du lịch Trung phát hiện ở đây có rất nhiều đồ gốm lỗi bị bỏ đi, anh đã mạnh dạn xin chủ lò số gốm đó. Ban đầu chủ lò gốm không thuận nhưng sau khi nghe Trung thuyết phục rằng số gốm lỗi này sẽ được bán đi để làm từ thiện thì người chủ này đã đồng ý. Không chỉ đồng ý mà ông còn giúp Trung xin đồ gốm lỗi của các chủ lò khác. Có lần cao điểm, nhóm thiện nguyện của Trung bán được 6 triệu tiền gốm lỗi. Biệt danh Trung “đồng nát” cũng được ra đời từ đây.
Hơn 7.000 học sinh đã được giúp đỡ trong dự án “Nuôi em”
Là một trong những người đầu tiên lên bản Nậm Vì (Điện Biên) khảo sát để xây dựng điểm trường mới, Trung thực sự bị ám ảnh bởi những khó khăn và thiếu thốn mà cô và trò nơi đây đang phải đối mặt.
“Lúc đó, điều kiện phòng học ở đây còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Những lớp học tuềnh toàng, xiêu vẹo, thủng lỗ chỗ, các em học sinh có thể thò đầu từ bên ngoài vào để xem bên trong các thầy cô dạy chữ. Còn bàn ghế thì được chế từ những thân gỗ gồ ghề, cái cao cái thấp. Cứ hết kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải lại lấy tre nứa và bạt để gia cố lại lớp học. Có năm mùa mưa bão, thầy trò vừa chạy ra khỏi lớp học thì trường sập” - Trung nhớ lại.
Sau những khảo sát Trung và Nhóm thiện nguyện Niềm Tin đã xây dựng dự án Ánh sáng núi rừng. Mục tiêu của dự án là cố gắng mỗi năm xây dựng từ 1 đến 2 điểm trường.
Để đến được những bản xa xôi, những thanh niên nhóm thiện nguyện đã phát rất vất vả vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, có dịp quay lại những điểm trường mà nhóm đã xây dựng Hoàng Hoa Trung phát hiện ngôi trường mới dù khang trang, chắc chắn và tiện nghi hơn hẳn, thế nhưng nhiều học sinh vẫn bỏ học giữa chừng. Bỏ thời gian sống cùng với dân bản, chàng trai 9X này phát hiện có tới khoảng 70% người dân nơi đây chịu cảnh đói ăn. Việc học sinh phải bỏ học để vào rừng đào măng về luộc ăn trừ bữa không hề hiếm. Đói ăn chính là lý do khiến nhiều em học sinh không thể tiếp tục đến trường.
Sau gần 1 tháng “ba cùng” với đồng bào Trung đã kêu gọi mọi người quyên góp tiền để nuôi “bữa trưa có thịt” cho 27 học sinh của một điểm trường ở Mường Nhé. Sau 2 tháng, một cô giáo cắm bản của điểm trường này đã vui mừng gọi điện thông báo cho Trung rằng “các con bây giờ nhìn đều có da có thịt, hơn nữa nhờ “bữa trưa có thịt” đã lôi kéo được thêm 7 em nữa đến trường”. Nhận được tin ấy Trung cảm thấy rất hạnh phúc. Đó cũng chính là động lực để Trung cùng nhóm thiện nguyện của mình tiếp tục cố gắng.
“Bữa trưa có thịt” nằm trong dự án “Nuôi em” hay còn gọi là “Bữa cơm níu trẻ em đến trường”. Nhờ có bữa trưa ngon và miễn phí nên tỉ lệ bỏ học của học sinh ở các điểm trường giảm đáng kể. Tính đến thời điểm đầu năm 2019, số học sinh nằm trong dự án “Nuôi em” này đã lên đến con số là trên 7.000.
Để vận động được các nhà hảo tâm và các Mạnh thường quân cho dự án “Nuôi em” Trung và các thành viên trong nhóm đã khảo sát và lên danh sách kèm hình ảnh cụ thể của từng em. Mỗi một em sẽ có một mã số riêng và có đầy đủ thông tin về bố mẹ, thầy cô thậm chí là già làng, trưởng bản để cho người nhận nuôi dễ dàng chủ động liên hệ. Ngoài ra, nếu các nhà hảo tâm muốn đến thăm trực tiếp học sinh mà mình nhận nuôi thì nhóm sẽ giúp họ kết nối.
Từ khi có dự án “Nuôi em”, các thầy cô cắm bản ngoài việc dạy học sẽ kiêm thêm nhiệm vụ làm đầu bếp vào tất cả các buổi trưa để nấu ăn cho học sinh của mình. Đầu mối cung cấp thực phẩm để phân phát cho các điểm trường của dự án “Nuôi em” chính là ở các phòng giáo dục. Thực phẩm này luôn phải được đảm bảo là thực phẩm sạch và an toàn. Thức ăn cũng sẽ được thay đổi phong phú theo từng bữa để học sinh không bị nhàm chán.
Không chỉ níu được học sinh đến trường mà Trung và Nhóm Niềm tin còn kêu gọi gây quỹ cộng đồng để tặng mỗi điểm trường chưa có điện một máy năng lượng gió mặt trời. Mỗi chiếc máy này có thể phát điện và cắm pin sạc.
Với quan niệm “thiện nguyện là một phần của cuộc sống”, Hoàng Hoa Trung cùng các thành viên trong nhóm của mình đã có những đóng góp tích cực cho xã hội. Chàng trai 9x này tâm sự rằng “Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn và có thể lập nên kỳ tích”.
Phong Anh (CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.