Khi một sinh viên cần giáo viên tiếng Anh, cậu ta có thể nhờ đến ứng dụng điện thoại. Hoặc nếu cần tìm quán phở ngon ở Hà Nội, số lượng ứng dụng cũng rất sẵn.
Một thập kỷ trước, những ứng dụng này nhiều khả năng được làm ra tại Thung lũng Silicon (California, Mỹ). Nhưng ngày nay, chúng đã là sản phẩm của các doanh nhân trẻ Việt Nam. Nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, nhưng sau đó lại trở về quê hương để tìm kiếm cơ hội.
Sức tăng trưởng của lĩnh vực này đã hấp dẫn nhiều công ty ngoại. Tổng thống Pháp - Francois Hollande vừa dẫn đầu một đoàn doanh nhân gặp gỡ các nhà đầu tư công nghệ tại TP HCM. Đây là cái nôi khởi nghiệp của Việt Nam.
Các sản phẩm công nghệ hiện tại, như game di động hay phần mềm thương mại điện tử, chủ yếu phục vụ người Việt. Độ tuổi trung bình của người dân hiện là 30, và Internet cũng đang phổ cập nhanh chóng.
"Thị trường này rất lớn, trẻ, tăng trưởng nhanh và vẫn chưa được khai thác hết", Eddie Thái – người điều hành 500 Startups cho biết. Quỹ này hồi đầu năm đã thông báo dành riêng 10 triệu USD để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp Việt Nam.
Thái thuộc nhóm doanh nhân tiên phong đến đây để tận dụng cơ hội này. "Tôi luôn bị Việt Nam thu hút. Tôi nhận thấy càng tới sớm, cơ hội tạo ra ảnh hưởng và kiếm tiền tại đây càng lớn", anh cho biết trên AFP. Thái tính toán Việt Nam có 90 triệu dân, 45 triệu người dùng Internet, 30 triệu người dùng smartphone và tỷ lệ sử dụng Internet đã gấp 10 lần thập kỷ trước.
Anh đến đây năm 2012 để làm việc cho một công ty, sau đó gia nhập 500 Startups. Quỹ này đã cấp vốn cho nhiều doanh nghiệp, như ứng dụng học ngoại ngữ Elsa và nền tảng mua vé trực tuyến Ticketbox.
Theo khảo sát mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh Việt Nam hiện xếp trên Mỹ, Anh và Thụy Điển về toán và khoa học. Lực lượng lao động có trình độ, lại rẻ hơn Trung Quốc và Singapore đang thu hút sự chú ý của các đại gia công nghệ thế giới. Tháng 12 năm ngoái, CEO Google - Sundar Pichai cũng có buổi nói chuyện với các doanh nhân trẻ ngành công nghệ tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam, doanh thu ngành này năm ngoái vào khoảng 3 tỷ USD, tăng mạnh so với 2 tỷ USD năm 2010. Chính phủ cũng đã vạch ra chiến lược riêng cho ngành này và thành lập Thung lũng Silicon Việt Nam năm 2013, để tạo ra "hệ sinh thái sáng tạo và thương mại hóa công nghệ".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng do tiềm năng có thể đang bị thổi phồng, thủ tục hành chính rườm rà và nhiều quy định chưa hoàn thiện.
"Việt Nam có tiềm năng công nghệ, nhưng có thể phải mất 5 năm nữa mới thực sự tạo ra được những công ty lớn có ảnh hưởng toàn cầu", Do Anh Minh tại Vertex Venture Holdings (Singapore) nhận xét, "Luật pháp cần hoàn thiện hơn, Chính phủ cũng cần hỗ trợ nhiều hơn. Việc này đòi hỏi tương tác nhiều hơn từ người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là người Việt ở California. Do đây là cầu nối với Thung lũng Silicon".
Dù lĩnh vực khởi nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ hơn các nước láng giềng, như Indonesia hay Malaysia, người ta vẫn hy vọng Việt Nam có thể phát triển nhanh, không phụ thuộc vào những ngành xuất khẩu như dệt may hay cà phê nữa.
"Việt Nam đã hiện diện trong ngành công nghệ vài năm nay. Nhưng giờ, họ đang chuyển lên trong chuỗi giá trị", ông Romain Caillaud - Giám đốc khu vực Đông Nam Á tại FTI Consulting (Mỹ) nhận xét, "Lĩnh vực này đang tăng trưởng do Việt Nam có những bước đi chiến lược về cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài".
Eddie Thai thừa nhận con đường này không hoàn toàn bằng phẳng. Nhưng anh lạc quan rằng văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ vượt qua thách thức để có những bước tiến đáng kể. "Nói chung, Việt Nam thi thoảng cũng lùi một bước, nhưng để tiến 2 bước. Hy vọng là trong 5 hay 10 năm tới, tình hình sẽ khá hơn", anh kết luận.
Hà Thu (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.