Agribank Bến Tre đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19

Hồng Cẩm Thứ tư, ngày 20/07/2022 12:34 PM (GMT+7)
Qua 2 năm đại dịch Covid-19 đã khiến cho người dân và doanh nghiệp xứ dừa gần như suy kiệt. Nhờ các chính sách của Chính phủ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng hành, "tiếp sức" của các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank, bà con nông dân và doanh nghiệp tại đây đã dần khôi phục lại cơ sở làm ăn.
Bình luận 0

Agribank đồng hành, "tiếp sức" nông dân và doanh nghiệp

Những ngày cuối tháng 6, đoàn công tác của Agribank ghé thăm gia đình ông Phan Văn Chiến (xã Bình Phú, TP Bến Tre, Bến Tre), đón tiếp đoàn là gương mặt rạng rỡ của vợ chồng ông Chiến.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Cán bộ Agribank chi nhánh Bến Tre đến thăm gia đình ông Phan Văn Chiến (người áo xanh). Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Chiến chia sẻ, gia đình ông có 28.000m2 đất vườn, trước đây trồng 600 gốc nhãn xuồng cơm vàng, hàng năm thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng. Rồi biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn ập đến tàn phá vườn nhãn. Cuối năm 2019 ông vay vốn từ Agribank chi nhánh Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre để cải tạo lại vườn, xây hồ chứa nước ngọt và trồng 750 gốc dừa xiêm xanh xen với số nhãn còn lại.

Trong lúc chờ dừa cho thu hoạch, thì thu nhập của gia đình ông phụ thuộc chính vào cây nhãn. Rồi đại dịch Covid-19 ập đến, nhãn mất giá, giai đoạn cao điểm tỉnh Bến Tre thực hiện Chỉ thị 16, vườn nhãn nhà ông Chiến không bán được, ông đành nuốt nước mắt nhìn nhãn rụng đầy gốc.

"Hiện nay dư nợ của gia đình tôi tại Agribank chi nhánh Đồng Khởi là 1 tỷ đồng. Nhưng rất may trong suốt thời gian cao điểm dịch bệnh, cây trái bán ra không được, không có thu nhập, gia đình tôi được Agribank chủ động giảm lãi trong 6 tháng, được cơ cấu lại nợ. Sau khi dịch bệnh ổn định, tôi cũng đã thu hoạch đợt dừa trái chiến nên kịp thời trả nợ vay đúng hạn"- ông Chiến chia sẻ.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Nhờ sự đồng hành, "tiếp sức" của Agribank mà sau đại dịch Covid-19 gia đình ông Chiến đã ổn định lại sản xuất làm ăn. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Chiến vui mừng nhẫm tính: Hiện dừa xiêm xanh Bến Tre có giá khoảng 7.000đ/trái. Trung bình một gốc dừa thu hoạch 10 trái/1 lần (20 ngày thu hoạch 1 lần), với 750 gốc dừa của ông, mỗi tháng ông thu trên 50 triệu đồng.

Một trong những điển hình trong quá trình đồng hành, sát cánh cùng khách hàng vượt qua khó khăn đó Công ty CP đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) – doanh nghiệp hoạt động trong ngành dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre và là khách hàng có dư nợ lớn nhất tại chi nhánh.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Với nhiều chính sách hỗ trợ từ Agribank, Công ty CP đầu tư Dừa Bến Tre vượt qua được giai đoạn khó khăn do Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục và phát triển hiệu quả. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Trần Văn Đức - Tổng Giám đốc Beinco, chia sẻ, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của của công ty gặp rất nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, công ty đã được Agribank chủ động áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Agribank như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu hơn 20 tỷ đồng, áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi thấp nhất theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.

Đến nay, doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục và phát triển hiệu quả.

"Bienco đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giảm lãi trong 6 tháng và chính sách giảm lãi thêm đối với khách hàng truyền thống, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của Agribank, như: thanh toán qua tài khoản tiền gửi, mở thẻ ATM, chiết khấu bộ chứng từ... các chính sách kịp thời và nhanh chóng đi vào thực tế đã giúp doanh nghiệp chúng tôi trụ vững trước đại dịch và tạo sức bật để Bienco bứt phá ngay trong sáu tháng đầu năm 2022 khi đất nước mở cửa trở lại"- Tổng giám đốc Beinco ông Trần Văn Đức, chia sẻ.

Linh động nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng

Thấu hiểu khó khăn của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, Agribank chi nhánh Bến Tre đã chủ động và nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Agribank.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 - Ảnh 4.

Ông Vũ Hồng Dụ - Giám đốc Agribank chi nhánh Bến Tre. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Vũ Hồng Dụ - Giám đốc Agribank chi nhánh Bến Tre, cho biết: Tính đến ngày 30/6/2022, chi nhánh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1.586 khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 462 tỷ đồng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đối với 42 khách hàng với tổng giá trị nợ được miễn, giảm 77 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất kinh doanh 9.024 lượt khách hàng, với tổng doanh số cho vay hơn 3.100 tỷ đồng.

Qua đó, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng qua việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi và thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 là gần 94 tỷ đồng; tổng số tiền miễn, giảm phí dịch vụ để thực hiện chính sách khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn trong năm 2021 là 8,3 tỷ đồng.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 - Ảnh 5.

Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh Bến Tre. Ảnh: Hồng Cẩm

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, những doanh nghiệp lớn trong ngành dừa, thủy sản, nông nghiệp… có mối quan hệ lâu năm, uy tín với ngân hàng được ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay giảm 0,5% so với lãi suất thông báo thông thường nhằm hỗ trợ cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, còn hỗ trợ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất hoặc bán hàng, xuất khẩu hàng hóa.

Ông Vũ Hồng Dụ cũng cho biết, về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được chi nhánh ưu tiên tập trung vốn để cho vay với lãi suất thấp nhất trong từng thời kỳ cùng với nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên khác, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh hiện nay chiếm gần 95%/tổng dư nợ cho vay.

Agribank Bến Tre đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Bến Tre đánh giá cao sự chủ động của Agribank chi nhánh Bến Tre trong hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp phụ hồi sản xuất hậu Covid-19

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Bến Tre, nhận xét: "Mặc dù tỉnh cũng có nhiều giải pháp để thực hiện công tác phát triển kinh tế xã hội, nhưng chúng tôi cũng huy động thêm nguồn lực xã hội. Trong đó, Agribank Bến Tre là một đơn vị luôn đồng hành cùng với tỉnh thực hiện các nội dung về chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua Agribank là một trong những đơn vị đầu tiên đóng góp 2,6 tỷ đồng giúp tỉnh phòng chống đại dịch Covid-19. Các hoạt động của Agribank chi nhánh Bến Tre tập trung vào việc hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo được tiếp cận về bảo hiểm y tế và quà cho cho các đối tượng chính sách, hộ khó khăn, hỗ trợ xe cứu thương.

Agribank chi nhánh Bến Tre cũng đã có những giải pháp hết sức cụ thể như xây dựng các gói tín dụng để đưa tín dụng đến với người nghèo, cận nghèo; các gói tín dụng hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh từ đó tạo ra sự lan tỏa và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội".


Tính đến 30/6/2022, việc triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm của Agribank Bến Tre qua tổ đã có dư nợ trên 6.000 tỷ đồng với hơn 1.100 tổ; Chương trình cho vay Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp có dư nợ cho vay trên 2.800 tỷ đồng với 2.146 khách hàng; Chương trình cho vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao có dư nợ đạt gần 4.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh tỉnh Bến Tre hiện đang triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có dự án nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm nằm trong vùng dự kiến quy hoạch 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, với dư nợ cho vay nuôi tôm công nghệ cao hiện nay đạt hơn 80 tỷ đồng.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, tổng số tiền chi cho công tác an sinh xã hội tại địa phương của chi nhánh là 60,8 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem