Ai bảo vệ những "tài năng nhí"?

Thứ tư, ngày 01/06/2016 16:25 PM (GMT+7)
Các em được khen tặng những mỹ từ như “tài sản quốc gia”, “thiên hạ đệ nhất”… Và sau đó, bọn trẻ sẽ được gì?
Bình luận 0

Tài năng 9 tuổi Trọng Nhân đã trở thành người mới nhất đăng quang cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Rồi lại đến những cậu bé, cô bé đã khóc òa trên sân khấu tại Vietnam Idol Kids với camera quay cận cảnh…

Không sốc không phải giám khảo

Trọng Nhân không phải là người đầu tiên được tung lên mây khi gần như một loạt các chương trình truyền hình thực tế âm nhạc, tìm kiếm tài năng và đặc biệt có đối tượng tham gia là trẻ em luôn được tung hô “mì chính cánh”. “Em là một diva tương lai”, “Bây giờ em không còn là thí sinh nữa mà đã trở thành đồng nghiệp của tôi”, “em thật sự là Taylor Swift của Việt Nam”, “Ông trời đã định đoạt để con sinh ra phải trở thành một ngôi sao sáng” hay mới nhất “con phải thi cuộc thi tìm kiếm tài năng của hành tinh này”.

img

Những thí sinh của cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí

Những nhận xét gây sốc ấy đã từng nhận rất nhiều lời phê bình và cả sự giận dữ của công chúng nhưng điều này chưa bao giờ cho thấy có mức độ hạ nhiệt. Bởi đơn giản, chuyện giám khảo tung lên mây các thí sinh, bất kể lớn, bé là chuyện gần như là đương nhiên của các show truyền hình. Bởi những điều họ đã nói ra họ cũng sẽ quên ngay những điều mình đã nói.

Còn việc những câu nói ấy có làm ảnh hưởng tới suy nghĩ, tạo ảo tưởng cho những đứa trẻ thì lại không phải là trách nhiệm của họ. Cần hiểu rõ là show truyền hình giải trí, nhà tổ chức cần những mỹ từ như vậy để gây sốc, gây chú ý đến người xem và cả những phản ứng tiêu cực hay khó chịu thì cũng nằm trong mục đích chung của nhà tổ chức.

Ở góc độ tổ chức, những nhà tổ chức luôn cần những yếu tố hấp dẫn cho một chương trình. “Hấp dẫn” ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa những yếu tố quan trọng sẽ được “nhân tạo” chứ không thật sự tự nhiên như nó có.

Tài năng có 1 thì phải biến thành 9, thành 10 thì mới hấp dẫn người xem. Họ phải sáng tạo ra những ngôn từ gây sốc, những yếu tố mà dân trong nghề gọi là “tiếp thị gây sốc”, để tác động đến người xem mạnh mẽ.

Nhìn ở góc độ chuyên môn, đây không phải là một chương trình tuyển sinh đại học mà đòi hỏi phải mực thước. Trẻ con được “thổi” tài năng lên cao hơn thực tế và nếu công chúng “dính” vào, điều ấy sẽ làm tăng rating chương trình.

Cũng vì một lẽ nữa, bản chất của một chương trình truyền hình giải trí là tìm ra những nhân vật có khả năng chứ không có nghĩa vụ phải đào tạo họ sau đó. Hết một show truyền hình là các bên sẽ hết trách nhiệm. Tài năng nhí ấy có phát triển được hay không không còn nằm trong thẩm quyền của chương trình đó nữa. Và những câu nhận xét trước đó, sẽ theo gió bay.

Sống bằng ước mơ người khác?

Có một điều không thể phủ nhận rằng, những show truyền hình âm nhạc thực tế ít nhiều cũng đã cho ra lò những gương mặt tài năng nhí thật sự. Nhưng điểm lại, số tài năng trụ vững sau các cuộc thi không nhiều. Vậy những tài năng nhí ấy lên ti vi để làm gì?

Đơn giản là họ tìm cơ hội. Nhưng cơ hội ấy nhiều khi không phải cứ muốn là được, không phải cứ muốn hát những bài hát đúng độ tuổi là sẽ được đón nhận.

Ca sĩ Thái Thùy Linh đã phải than thở rằng “hát nhạc đúng tuổi thì bị loại sớm, còn hát nhạc người lớn thì được chấp nhận ngay, thậm chí còn vào rất sâu”. Điều ấy có nghĩa là các tài năng nhí lên ti vi để thỏa lòng ước vọng của người lớn. Đó là một nhu cầu thực sự.

Mới đây, Sarah Monahan, nữ diễn viên điện ảnh Australia, người cũng từng là một tài năng nhí, đã nhận xét khi xem xong chương trình The Voice Kids phiên bản Australia, rằng “Không có gì tệ hơn là một đứa trẻ tài năng bị đẩy vào những chương trình như The Voice Kids chỉ bởi sự mong muốn của các bậc cha mẹ như thể những người ấy đang sống một cách gián tiếp qua cuộc đời của con mình, hoặc là họ cần một bữa ăn, hoặc họ cần sự phù phiếm của ảo tưởng danh tiếng”.

Monahan cũng phân tích thêm rằng: “Thực tế những chương trình không chứa sự nghiêm túc thật sự, cũng chẳng có nhiều niềm vui mà đơn giản đó show kiếm tiền, một show kinh doanh thực sự, bọn trẻ hát nhạc người lớn và kiếm tiền cho người lớn”.    

Những điều này gần như là một phiên bản như ở Việt Nam. Và điều này sẽ dẫn đến phần trả lời cho câu hỏi “Bọn chúng đã đi đâu sau cuộc thi?”. Câu trả lời: Còn tùy thuộc vào các bậc phụ huynh.Bọn trẻ được lên truyền hình, đó là một cơ hội nhưng cơ hội ấy chỉ càng rõ rệt hơn khi chúng trở thành bản sao của người lớn.

Và nghịch lý đã xảy ra, khi những tài năng nhí ấy trở về với đời thường thì chính thị trường ca nhạc, môi trường biểu diễn chuyên nghiệp lại không sẵn sàng chấp nhận chuyện một đứa trẻ hát nhạc người lớn như thế với mức độ “tài năng” như thế”.

Người nhìn xa sẽ cho con đi học thêm để phát triển tài năng. Người ăn non thì muốn khai thác tên tuổi để kiếm tiền nhanh, không thiếu những trường hợp như vậy. Nhưng càng ăn non thì “tài năng” càng nhanh tàn lụi.

Điều này đã cho thấy mặt trái của những chương trình âm nhạc tìm kiếm tài năng nhí, là dễ tạo ra những ảo tưởng thành công đến sớm. Nhưng chuyện ảo tưởng hay không là của người tham gia và đó là sự lựa chọn của họ mà ở đây, đại diện là người giám hộ.

Nguyên Minh (Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem