Ai Cập chìm trong bất ổn

Thứ sáu, ngày 16/08/2013 10:07 AM (GMT+7)
Những nỗ lực hòa bình tại Ai Cập đang bị đe dọa sau khi lực lượng an ninh nước này tiến hành các chiến dịch mạnh tay trấn áp người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.
Bình luận 0
Bạo lực bùng phát dữ dội từ ngày 14.8 sau khi lực lượng an ninh tiến hành dỡ bỏ 2 lán trại lớn nhất của người biểu tình tại thủ đô Cairo. Trước đó, giới chức an ninh Ai Cập đã ra "tối hậu thư" yêu cầu những người thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo trung thành với ông Morsi phải giải tán các cuộc biểu tình ngồi trước ngày 14.8. Theo Reuters, đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát khiến ít nhất 327 người thiệt mạng, trong đó có 43 cảnh sát, và hơn 2.000 người khác bị thương.

Để đối phó với sự chống đối của người biểu tình, chính phủ lâm thời Ai Cập của Tổng thống Atly Mansuor đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong 1 tháng, kéo dài từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hàng ngày tại 14/27 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Cairo. Một tuyên bố của Chính phủ Ai Cập nêu rõ, những người không tuân thủ lệnh giới nghiêm sẽ bị bắt giam. Lệnh giới nghiêm không áp dụng với các nhà báo, nhân viên truyền thông và các hành khách đi máy bay. Trước đó, Tổng thống Mansour cũng đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng.

Bạo lực leo thang nghiêm trọng khiến Phó Tổng thống phụ trách đối ngoại của Ai Cập, ông Mohamed El Baradei, phải đệ đơn từ chức. Trong một bức thư gửi Tổng thống Mansour, ông El Baradei giải thích: "Tôi cảm thấy khó khăn khi phải gánh vác trách nhiệm về các quyết định mà tôi không ủng hộ và từng cảnh báo hậu quả". Ông El Baradei - cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và là người từng giành giải Nobel Hòa bình nhấn mạnh: "Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực và các nhóm cực đoan là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ những gì xảy ra trong ngày 14.8".

"Tôi cảm thấy khó khăn khi phải gánh vác trách nhiệm về các quyết định mà tôi không ủng hộ và từng cảnh báo hậu quả".
Ông El Baradei


Hiện tại, 2 Phó Thủ tướng khác là Ziad Bahaa El-Din và Hossam Eissa cũng có ý định rút khỏi chính phủ lâm thời.

Phản ứng trước những diễn biến được xem là có thể chôn vùi những nỗ lực thiết lập hòa bình tại Ai Cập, Mỹ, Anh,Pháp... đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Ai Cập, đồng thời phản đối việc áp đặt lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi tất cả các phe phái tại Ai Cập kiềm chế và phải có trách nhiệm ngăn chặn bạo lực bùng phát mạnh hơn nữa. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất” đối với hành động bạo lực nhằm giải tán người biểu tình tại Ai Cập. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố yêu cầu tất cả các lực lượng chính trị ở Ai Cập kiềm chế, khẳng định lợi ích của người dân Ai Cập chỉ có thể được bảo vệ thông qua đối thoại rộng rãi và sự hòa hợp dân tộc.
Chu Vũ (Chu Vũ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem