Sau khi Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm điện tử thuộc nhóm 9 của Cty Maseco gồm các loại: máy tăng âm (ampli), đầu máy đọc phát kỹ thuật số, đầu máy hát karaoke, ống nói, bộ trộn âm, loa, máy thu hình (tivi) và điện thoại (Cty Maseco nộp đơn vào ngày 8.11.2010 và được cấp vào ngày 24.9.2012, GCN ĐK NH số 192026) thì ngày 1.1.2013, Công ty cổ phần điện tử Công Nghệ Xanh (Cty Công Nghệ Xanh) đã có văn bản gửi Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng Cty Maseco không có quyền đăng ký nhãn hiệu này và tạo hành vi cạnh trạnh không lành mạnh.
Lập lờ đánh lận con đen
Theo đơn trình bày của đại diện Cty Công Nghệ Xanh gửi Cục Sở hữu Trí tuệ, họ “tự nhận” là bên có quyền và lợi ích liên quan đến nhãn hiệu “Arirang, hình” do nhà sản xuất ArirangTech Corp, Hàn Quốc và Arirang Tech Corp, Hong Kong mà “hai nhà sản xuất này đã từng phân phối sản phẩm do mình chế tạo ra và mang nhãn hiệu này cho Cty Maseco trước khi Maseco đăng ký nhãn hiệu này tại Việt Nam dưới tên Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận vào ngày 8.11.2010. Công ty Maseco từng là nhà nhập khẩu duy nhất tại Việt Nam với số lượng lớn trong một thời gian dài các sản phẩm của nhà sản xuất nhãn hiệu này để bán lại tại thị trường Việt Nam. Nhà sản xuất chưa bao giờ cho phép Maseco được phép đăng ký nhãn hiệu này ở bất cứ đâu, đặc biệt ở VN”.
Đại diện Cty Công Nghệ Xanh cũng thừa nhận rằng mặc dù các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Hồng Kông nói trên chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Arirang ở bất cứ quốc gia nào nhưng trong các giấy tờ giao dịch và sản phẩm, bao bì được ghi/dán/dập nổi…
Đây không phải là lần đầu tiên Cty Maseco nộp đơn đăng ký bảo hộ cho thương hiệu Arirang, mà cách đây 13 năm về trước, vào ngày 09.11.2001, Cty Maseco đã chính thức nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm Arirang và đến ngày 23.1.2003, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 44950 thương hiệu Arirang cho Maseco.
Kể từ đó,thương hiệu “Arirang, hình” tồn tại và phát triển, nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, đoạt nhiều cúp vàng TOPTEN thương hiệu Việt, lọt vào TOP 50 nhãn hiệu cạnh tranh Việt cùng nhiều bằng khen khác nhưng không hề có bất cứ doanh nghiệp nào phản đối hoặc tranh chấp.
Thế nhưng, khi hết hiệu lực bảo hộ (theo quy định là 10 năm), Cty Maseco nộp đơn đăng ký bảo hộ nối tiếp thì bị Cty Công Nghệ Xanh mới thành lập vào tháng 6/2011 nhảy ra “tranh chấp”.
Ông Đỗ Hướng Dương – Phó Tổng giám đốc Cty Maseco cho rằng, chỉ với tư cách tự nhận là bên “có quyền và lợi ích liên quan” Cty Công Nghệ Xanh thì ông không nhất thiết phải giải thích.
Tuy nhiên, do yêu cầu của Cục SHTT nên công ty ông khẳng định như sau: Cty Maseco chưa bao giờ nhập khẩu đầu máy karaoke của hai nhà sản xuất nói trên để bán ở thị trường Việt Nam cả và cũng chưa bao giờ là nhà phân phối độc quyền sản phẩm đầu máy karaoke mang thương hiệu Arirang như họ tự bịa đặt ra cả.
Thương hiệu đầu karaoke Arirang và các sản phẩm điện tử cùng thương hiệu này là của Maseco sản xuất.
“Công ty Arirang tech corp, Hàn Quốc nói trên chỉ là một trong số các nhà cung cấp linh kiện để sản xuất đầu karaoke của chúng tôi mà thôi. Nhưng sau một thời gian ngắn (khoảng 1-2 năm) cung cấp số lượng linh kiện rất ít so với quy mô sản xuất của Maseco, do năng lực yếu kém, công nghệ cũ kỹ, không có uy tín, không đáp ứng yêu cầu sản xuất nên chúng tôi đã không còn nhập khẩu linh kiện của họ hơn 13 năm nay rồi. Họ cũng không phải là nhà sản xuất ra sản phẩm là đầu máy karaoke hay sản phẩm mang thương hiệu Arirang khác. Có chăng chỉ là một số ít linh kiện phục vụ cho việc sản xuất ra như mạch điện, bộ công tắc nguồn, panel… Còn Cty Arirang tech corp, Hong Kong họ chỉ mới thành lập tháng 12/2010 có trụ sở tại Quảng Châu – Trung Quốc thì chưa bao giờ được Maseco chọn là nhà cung cấp bất cứ loại vật tư, linh kiện, hàng hóa nào”- ông Đỗ Hướng Dương cho biết thêm.
Trong khi đó, tài liệu viện dẫn gửi cho Cục SHTT, Cty Công Nghệ Xanh trích dẫn phụ lục hợp đồng mua bán giữa Arirang Tech Corp với GAETEC (Công ty TNHH –MTV Vật tư tổng hợp I trực thuộc Cục Hậu cần, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) hoàn toàn không liên quan gì đến Cty Công Nghệ Xanh hay Maseco. Tài liệu cũng thể hiện Arirang Tech Corp chỉ là bên bán hàng (The Seller). Thế nhưng, Cty Công Nghệ Xanh vẫn tuyên bố họ là người thiết kế và sản xuất các phần mềm chuyên dụng cho karaoke.
Bà Trần Thị Ngọc Thoa – giám đốc doanh nghiệp đại diện sở hữu công nghiệp Song Ngọc – cho biết: “Theo quy định của điều 87.1 Luật SHTT thì Maseco hoàn toàn có quyền đăng ký nhãn hiệu Arirang. Còn Arirang Tech Corp Hàn Quốc chưa bao giờ đăng ký bảo hộ sản phẩm Arirang ở Việt Nam và hơn 10 năm qua không có bất kỳ hoạt động thương mại nào tại Việt Nam nên không phải là chủ sở hữu nhãn nhiệu Arirang”.
Bất thường
Liên quan đến vụ “tranh chấp” thương hiệu Arirang bất ngờ này, sau hơn 1 năm thụ lý vụ việc, ngày 20.3.2014, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Tạ Quang Minh đã ký quyết định (số21/QĐ-SHTT) không chấp nhận đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Arirang đã cấp cho Cty Maseco, đây là quyết định đúng đắn, đúng pháp luật.
Cục SHTT cho rằng kể từ năm 2001, Cty Maseco đã liên tục phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm điện tử hoàn chỉnh mang nhãn hiệu Arirang để bán không chỉ ở Việt Nam mà còn lưu hành tại Singapore, Hoa Kỳ, Canada, Campuchia, Nga(đến nay đã được bảo hộ thêm tại Cộng đồng Châu Âu) bằng chính nhãn hiệu Arirang. Các nước này cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Arirang cho Cty Maseco.
Tại quyết định của Cục SHTT nêu rõ: Cty Arirang Tech hoàn toàn không bán các sản phẩm máy đọc đĩa và phát âm thanh, trong đó có đầu máy karaoke tại VN từ năm 2001 đến nay mà có chăng chỉ sản xuất các linh kiện, phụ tùng và chưa đủ cơ sở để chứng minh Cty Arirang Tech đã sử dụng nhãn hiệu tại VN. Hơn nữa, nếu chỉ nhãn hiệu “Arirang, hình” đã được sử dụng tại VN thì đó không đủ là cơ sở để hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký hàng hóa đã cấp cho Cty Maseco.
Điều bất thường là cùng thời gian Cty Công Nghệ Xanh gởi đơn yêu cầu hủy bỏ GCN ĐKNH Arirang của công ty Maseco thì công ty Arirang tech corp (Hàn Quốc) thông qua đại diện là Cty TNHH Lê & Lê (địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngày 25/01/2013 nộp đơn đến Cục SHTT để đăng ký nhãn hiệu Arirang cùng nhóm 9 mà Cty Maseco đang được bảo hộ từ năm 2001.
Hành vi này đã bị Cty Maseco phát hiện và phản đối. Thế nhưng sau khi có quyết định 821/QĐ-SHTT, Cty Công nghệ Xanhlại tiếp tục gởi đơn khiếu nại với lý do hoàn toàn khác.Họ cho rằng Cục SHTT không xem xét đến nhãn hiệu Arirang là kênh truyền hình bằng tiếng Anh nổi tiếng của Hàn Quốc được phát24/24 giời tới 188 quốc gia trên toàn cầu!càng thể hiện sự thiếu hiểu biết những nguyên tắc cơ bản về luật Sở hữu trí tuệ.
Nói như vậy còn có nghĩa Cty Công nghệ Xanh cho rằng không chỉ cục SHTT Việt Nam mà còn là tất cả các cơ quan nhãn hiệu các quốc gia tiên tiến khác như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Singapore, Các nước cộng đồng chung Châu Âu … cũng đã sai khi cấp Giấy CN ĐKNH Arirang cho cty Maseco !!!.
Ai cạnh tranh không lành mạnh?
Theo điều tra của PLVN, Công ty Công Nghệ Xanh chỉ mới thành lập đến nay được 3 năm (vào ngày 23.6.2011 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng) nhưng đã 3 lần đổi địa chỉ từ 287/37 CMT8, P.12, Q.10 sang CC13 Trường Sơn, P.15, Q.10, giờ là 104 Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM và đã qua 3 đời giám đốc.
Cổ đông sáng lập cty chính là Công ty TNHH MTV TM-DV Sóng Nhạc do ông Phạm Duy Tùng làm chủ tịch HĐTV với tỷ lệ góp vốn 83,33%. Ông Tùng là cổ đông sáng lập Cty Maseco, từng là thành viên HĐQT của Cty Maseco nhiệm kỳ đầu tiên năm 2001-2005. Sau khi ông Tùng thôi việc tại Cty Maseco thì vẫn còn là cổ đông của Maseco một thời gian thì rút vốn.
Cty TNHH Sóng Nhạc của ông Tùng từng là nhà phân phối sản phẩm mang thương hiệu Arirang của Maseco một thời gian, do không tuân thủ thỏa thuận nên Maseco không đồng ý bán hàng cho Cty Sóng Nhạc nữa.
Hai thành viên khác của Cty Công Nghệ Xanh là ông Lê Xuân Hòa và Nguyễn Hữu Hòa cũng từng là cán bộ CNV của Cty Maseco và Maseco cho thôi việc từ năm 2009. Công ty Công Nghệ Xanh đã cố tình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Arirang bằng cách in chữ Arirang trên sản phẩm để bán ra thị trường.
Tại bản kết luận giám định (số NH334-12YC/KLGĐ) của Viện khoa học SHTT do phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký ghi rõ chữ Arirang trên sản phẩm của Cty Công Nghệ Xanh “tương tự đến mức nhầm lẫn” với thương hiệu Arirang của Maseco. Cty Maseco phát hiện và đã yêu cầu Cty Công Nghệ Xanh chấm dứt hành vi vi phạm. Theo văn bản của Cty Maseco gửi Cục SHTT ngày 7.3.2013, đại diện Maseco trình bày vì lẽ đó mà Cty Công Nghệ Xanh đã tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian để thu lợi bất chính từ dòng sản phẩm vi phạm nói trên.
Cũng theo điều tra của chúng tôi, Arirang Tech Corp, Hàn Quốc với vốn điều lệ 200 triệu won, tương đương 196.000USD còn Arirang Tech Corp, HK với vốn điều lệ chỉ 10.000 đô la Hồng Kông, tương đương 28 triệu đồng Việt Nam.
Trong khi Maseco tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa từ tháng 10/2001 đến nay đã gần 15 năm tồn tại và phát triển bền vững với thương hiệu Arirang, với vốn điều lệ 225 tỷ đồng, nộp thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng, được tặng huân chương lao động hạng 2 cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Liệu rằng trong cuộc “tranh chấp” thương hiệu Arirang này, ai cạnh tranh không lành mạnh, ai “vừa ăn cướp, vừa la làng” và còn những ai đang đứng đằng sau âm mưu chiếm đoạt thương hiệu Arirang của Cty Maseco được cấp và bảo hộ đúng pháp luật?
Bảo Long (Làng Cười)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.