Ai đúng, ai sai trong vụ "tranh chấp tử thi" hy hữu tại Việt Nam?

Quang Trung Thứ hai, ngày 30/10/2023 08:51 AM (GMT+7)
Dư luận đang xôn xao về vụ "tranh chấp tử thi" hy hữu tại Việt Nam, vậy trong vụ việc ai đúng, ai sai? Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích về việc này.
Bình luận 0

Vụ việc không có dấu hiệu tội phạm

Liên quan đến vụ "tranh chấp tử thi" hy hữu tại Việt Nam, theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Nông, chị Trần Thị Ngọc S. (ngụ tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) kết hôn với anh Nguyễn Bá T. (quê tỉnh Vĩnh Phúc) vào năm 2008 và có với nhau 2 người con.

Khoảng 3 tháng trước, anh T. tử vong do bệnh lý. Sự việc không có dấu hiệu hình sự nên anh T. được chị S. và các con, cháu tổ chức an táng theo phong tục địa phương.

Ai đúng, ai sai trong vụ "tranh chấp tử thi" hy hữu tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đã phải khai quật tử thi. Ảnh: CTV

Tuy nhiên gần đây, em ruột của anh T. (thừa ủy quyền của mẹ đẻ anh T., đang trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân anh T. tử vong và đòi đưa thi hài của anh T. về quê chôn cất.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông, cũng từ vụ việc quyết định nơi chôn cất thi thể người quá cố nên giữa 2 bên gia đình xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nên buộc cơ quan chức năng phải khai quật tử thi, xác định quan hệ huyết thống giữa các bên.

Ngày 25/10, cơ quan chức năng đã khai quật tử thi và người nhà anh T. đòi đưa thi hài anh này về quê an táng. Tuy nhiên 2 người con của anh T. phản đối.

"Tử thi người mất không phải đồ vật nên cơ quan công an không có thẩm quyền để bàn giao. Việc chôn cất người chết ở đâu do gia đình quyết định nên khiến mâu thuẫn gia đình càng căng thẳng.

Cơ quan công an đang làm việc với các cơ quan liên quan để có phương án xử lý phù hợp" - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nói thêm.

Có được mang thi thể người chết đi nơi khác khi đã an táng?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, sau khi xác minh nguồn tin, khai quật và mổ tử thi để giám định pháp y, cơ quan điều tra đã kết luận người đàn ông chết là do bệnh lý.

Với nội dung tố cáo của người em gái, cơ quan điều tra kết luận là không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án hình sự. Nếu không đồng ý với kết quả trả lời của công an, người tố cáo có quyền khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự để được xem xét giải quyết.

Ông Cường phân tích, đối với yêu cầu mang thi thể người đàn ông về quê an táng, hiện nay chưa có bản án quyết định của cơ quan có thẩm quyền để xác định người vợ và hai con của người đàn ông là không hợp pháp, không hợp lệ nên những người này có quyền thực hiện hoạt động an táng theo phong tục địa phương và thực tế người đàn ông đã được an táng ở đây mấy tháng nay.

Còn đối với việc xác định quan hệ hôn nhân của anh trai và người phụ nữ này có hợp pháp hay không sẽ căn cứ vào giấy đăng ký kết hôn và thủ tục đăng ký kết hôn được thể hiện qua sổ đăng ký kết hôn của địa phương cấp xã phường.

Trường hợp hai người không có giấy đăng ký kết hôn, hồ sơ lưu tại Ủy ban nhân dân xã cũng không thể hiện là đã đăng ký kết hôn, đồng thời hai người này chung sống sau 3/1/1987 (trước ngày Luật hôn nhân năm 1986 có hiệu lực pháp luật) thì pháp luật không công nhận đây là quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, việc này chỉ có ý nghĩa khi có tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản được pháp luật bảo vệ.

Còn đối với vấn đề xác định cha cho con, nếu các bên có yêu cầu, tòa án cũng có thể thụ lý để xem xét giải quyết. Kết quả giám định ADN là căn cứ để xác định những đứa trẻ có phải là con đẻ của người đàn ông hay không.

Tuy nhiên, cần phải cân nhắc vì khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng mà đưa ra những thông tin này có thể gây tổn thương đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của các cháu và ảnh hưởng đến tình cảm trong mối quan hệ gia đình.

Cuối cùng, vị chuyên gia nêu quan điểm, việc an táng, thờ cúng là các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa theo phong tục tập quán địa phương, vấn đề này pháp luật không có quy định. Khi trong gia đình có một người chết, có thể có những quan điểm khác nhau về nơi an táng, hình thức mai táng.

Với những người sống xa quê, sau khi chết có thể an táng tại nơi sinh sống cuối cùng hoặc ở quê hương hoặc ở nơi khác, những người thân thích tự thỏa thuận, trừ trường hợp người chết để lại di chúc có nội dung về nơi an táng, hình thức an táng.

Nếu có tranh chấp, tòa án sẽ căn cứ vào phong tục tập quán để quyết định sẽ an táng ở đâu cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem