Theo Thư viện Quốc gia Việt Nam, ông Hồ Đắc Cung (sinh năm 1907) được xem là người đầu tiên chế tạo máy bay tại Việt Nam. Chiếc máy bay đặc biệt của ông Cung được đặt tên là "Con rận trời 132".
Tài liệu còn lưu giữ tại Thư viện cho biết, tờ Tràng An Báo - một tờ báo quốc ngữ xuất bản ở Huế trong số báo 19 ra ngày 3/5/1935 đã đăng bài giới thiệu về ông Hồ Đắc Cung và chiếc máy bay do ông tự chế tạo. Bài viết trên Tràng An Báo có tiêu đề: "Ông Hồ Đắc Cung tự chế ra một chiếc máy bay" và cung cấp một số thông tin đáng chú ý.
Theo nội dung bài báo:"Ông Hồ Đắc Cung trước học ở Trường Nguyễn Phan Long trong Saigon, sau qua Pháp học ở Montpellier tại Trường Kỹ nghệ điện học, làm việc ở Marseille 2 năm trước rồi mới trở về nước. Từ 6 năm nay, ông Cung giúp hãng chữa ô tô của ông Didier ở Saigon. Ngoài nghề chữa ô tô, ông thích nhất nghề máy bay.
Gần đây, ông đi xem chớp bóng thấy ông Henry Mignet chế ra được thứ máy bay nhỏ kêu là "rận trời" (pon du ciel), ông Cung liền phỏng theo kiểu đó mà làm một thứ máy bay mới. Hiện nay, "con rận trời" của ông đã thành hình, chỉ còn thiếu bánh xe và động cơ nữa là có thể bay được. Những thứ ấy, ông đã gửi mua ở bên Pháp. Cái động cơ 25 mã lực đó đáng giá 500$, cả tiền tàu chở về cũng tới 600$”.
Do số tiền cần thiết quá lớn, ông Hồ Đắc Cung đã mạo muội gửi thư trực tiếp cho vua Bảo Đại để xin hỗ trợ. Theo Tràng An Báo số 25 (ra ngày 24/5/1935) viết:"Thơ gửi đi, ông Hồ Đắc Cung có cảm tưởng nó sẽ bị vò và liệng xuống sọt. Nhưng mới đây, ông được tin nhà băng Đông Pháp ở Saigon đòi ông. Ngạc nhiên, ông tới ngay, một tờ giấy nhỏ với mấy dòng chữ đơn sơ báo cho ông biết rằng thơ ông dâng lên Hoàng đế đã được ngài để ý đến: 'Lệnh đức Hoàng đế Bảo Đại ban cho ông thợ máy Hồ Đắc Cung số tiền 300 bạc'". Ông mừng rỡ vô cùng và ngay sau khi nhận được khoản tiền "kếch sù" ấy, ông lập tức gửi sang Pháp để giục gửi bộ máy càng sớm càng tốt. Ông dự định sẽ bay đến Huế để cảm tạ đức Hoàng đế khi nào máy bay được lắp ráp hoàn chỉnh.
Vài tháng sau, Tràng An Báo số 68 (ra ngày 22-10-1935) lại đưa tin về tiến trình dự án của ông Hồ Đắc Cung: "Chiếc máy bay của ông Hồ Đắc Cung sắp cất cánh". Tin tức cho biết: "Có một dạo người ta nói đến chiếc máy bay tí hon của ông Hồ Đắc Cung ở Saigon nhiều lắm. Thế rồi người ta im vì chiếc máy bay vẫn nằm trơ ra đó chờ bộ máy mua ở Tây qua. Bộ máy qua khí chậm một tí. Nhưng nay máy đã qua rồi và đã lắp xong rồi. Nay mai ông Cung sẽ cỡi máy bay thử. Ông Cung tỏ ra không tin ở sự thành công cho lắm".
Cuối cùng, chiếc máy bay do ông Hồ Đắc Cung chế tạo đã bay thành công. Theo thông tin từ báo Tràng An số 75 (ra ngày 15-11-1935): "Có tin ở Saigon ra nói rằng chiếc máy bay nhỏ kêu bằng con 'rận trời' của ông Hồ Đắc Cung đã do ông cầm máy bay lên tại sân Tân Sơn Nhất trong một buổi trưa mới đây. Máy lên rất cao, khi lên khi xuống đều như ý".
Để đạt được kết quả này, ông Cung đã phải trải qua nhiều lần sửa chữa và thử nghiệm. Lần đầu tiên tại sân Tân Sơn Nhất, "chân vịt quay mà cất cánh không lên vì sợi dây buộc cánh lúc lắc". Vào lần thử thứ hai, ngày 26 tháng 10, máy bay đã lên được nhưng bất ngờ chúi đầu xuống khiến ông Cung suýt gặp nguy.
Cuối cùng, đến lần thử thứ ba, chiếc máy bay mới có thể bay lên hoàn toàn thành công. Tràng An cũng cho biết, "nghe chừng ông sẽ bay ra Huế" sau khi đạt được kết quả tốt trong lần thử cuối này.
Cùng thử nghiệm với Hồ Đắc Cung vào ngày 3/12/1935 còn có một phi công người Pháp tên Testelin, người cũng cất cánh với “con rận” của mình. Những thông tin báo chí tại thời điểm đó tương đối hạn chế nên không có nhiều hình ảnh về ông Hồ Đắc Cung và chiếc máy bay đầu tiên do người Việt chế tạo. Hơn thế nữa, thông tin về số phận của nhà sáng chế và “Con rận trời 132” sau này cũng không được rõ ràng. Tuy vậy, đây vẫn là một sự kiện đáng nhớ, ghi dấu sự nỗ lực và đam mê sáng tạo trong lĩnh vực hàng không thời bấy giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.