Câu chuyện “ngồi lên sách” đang nóng lên với những ý kiến trái chiều, người cho rằng đó là hành động không tôn trọng sách, người cho rằng đó là hành động vô văn hóa, người lại cho rằng đó là chuyện bình thường, ngồi lên sách không có nghĩa là không tôn trọng sách... Để cung cấp tới bạn đọc cái nhìn đa chiều về vấn đề này, Infonet xin giới thiệu quan điểm, góc nhìn của những người ở các vị trí khác nhau trong xã hội.
Dưới đây là một góc nhìn của blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long.
Vụ đạo diễn Lê Hoàng và Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà "ngồi trên sách" vẫn khiến dư luận, đặc biệt cộng đồng mạng có nhiều ý kiến. Có người chỉ trích, có người bênh vực. Anh sẽ đứng về bên nào?
- Tôi là người cổ vũ cho sự tự do, văn minh và bình đẳng. Tôi rất dị ứng những người lợi dụng thứ gọi là "chuẩn mực xã hội" và "quan điểm số đông" để áp chế người bất đồng quan điểm. Trong trường hợp này tôi không tìm ra một lý do nào để chỉ trích bất cứ ai khi họ "ngồi lên sách", cho dù đó là đạo diễn Lê Hoàng, hoa hậu Triệu Thị Hà hay nhà sản xuất.
Nếu ai muốn áp đặt thì xin mời qua gặp tôi, tôi sẽ ngồi lên sách và tuyên bố rõ ràng tôi thích làm như thế chứ chẳng vì một sơ xuất nào hết cả, cho họ tha hồ chỉ trích.
Phải chăng, theo anh, ngồi lên sách cũng không có nghĩa là không tôn trọng sách?
- Việc ai đó ngồi, nằm, dẫm đạp lên sách không liên quan đến việc họ có tôn trọng sách hay không. Muốn biết, thì phải hỏi chính người thực hiện hành động đó mới có câu trả lời chính xác.
Một hành động mà tôi dám cá rằng nhiều người Việt Nam vẫn làm đó là để ảnh người thân yêu vào trong bóp (ví), rồi cho bóp xuống túi quần sau. Như vậy chúng ta vẫn đang "ngồi lên" mặt những người mà chúng ta yêu quý nhất. Như vậy là có tôn trọng họ hay không?
Ở trong những toà nhà chung cư, người tầng trên buộc phải sinh sống trên "đầu", trên ban thờ gia tiên của người tầng dưới. Như vậy là có vấn đề tôn trọng hay không tôn trọng nhau hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Tất nhiên chứ, vì bản chất hai việc đó khác nhau hoàn toàn mà!
|
Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long. |
Vậy ý kiến của anh như thế nào về những biện minh của người làm chương trình, cho rằng đó là do "vì ghế trường quay thấp, trời thì mưa nên lấy sách ra kê ghế cho cao".
- Sao lại gọi như thế là "biện minh"? Họ làm thế thì họ nói là làm như thế. Ai cho chúng ta cái quyền đi phán xét người khác như vậy? Tôi thấy những người này hiền quá mới cần đi giải thích tốn thời gian và khiến người khác nghĩ rằng họ đang làm gì vô cùng sai trái.
Quan điểm
Nguyễn Ngọc Long •
Blogger Truyền thông xã hội
Tôi thấy ai nói rằng "ngồi lên sách chứng tỏ vô văn hoá" mới là những người vô văn hoá gấp đôi...
Tại sao lại phải tôn trọng sách? Chúng ta có quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng và có quyền tự do trong việc thích hay không thích điều gì đó chứ nhỉ? Bạn thích chó, tôi thích mèo. Bạn thích đi giày tôi thích đi dép. Theo wiki, trong văn hóa đại chúng, hình tượng con bò được khắc họa trong nhiều nền văn minh lớn và gắn liền với tín ngưỡng thờ phượng xuất phát từ sự gần gũi và vai trò to lớn của bò trong đời sống của loài người. Nhiều dân tộc sùng kính và tôn thờ con bò, nâng hình ảnh con bò lên vị trí Thần Bò và thờ phụng nó là điển hình là ở Ấn Độ người ta thờ con Bò trắng, người Do Thái thờ con Bê Vàng, người Ai Cập thờ thần bò... Tuy nhiên trong xã hội, đại đa số người khác vẫn cưỡi lên bò và ăn thịt bò. Nhưng có ai chỉ trích họ đâu?
Nếu tôi là họ, tôi chỉ nói đơn giản tôi thích như thế. Rồi có sao không? Tôi thấy ai nói rằng "ngồi lên sách chứng tỏ vô văn hoá" mới là những người vô văn hoá gấp đôi.
Anh có nghĩ rằng đây là scandal để chương trình truyền hình này "nổi" hơn không?
- Tôi không quan tâm lắm vì tôi suy nghĩ đến khía cạnh định kiến trong xã hội nhiều hơn. Nhưng chắc chắn nhờ sự cố này mà chương trình càng thêm nổi tiếng.
Nếu đó là scandal để chương trình nổi hơn, anh có cảm giác như thế nào khi bấy lâu đã rất "bênh vực" cho hành động này?
- Tôi cảm thấy rất vui sướng và hả hê. Vì mục đích của tôi khi bênh vực họ là để cổ xuý cho sự tự do và dẹp bỏ đi định kiến. Nếu nó có thêm hiệu ứng phụ là PR cho chương trình thì càng tốt.
Xin cảm ơn anh!
(Theo Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.