Tường Nhiên
Thứ năm, ngày 01/12/2022 17:11 PM (GMT+7)
Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có những diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Nông đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất sự phát triển của dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Theo thống kê của ngành Y tế, tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận hơn 2.300 trường hợp mắc SXH thể Dengue tại 71/71 xã, phường, thị trấn, thuộc 8 huyện, thành phố. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng 9,6 lần và tăng 23 xã có ca mắc SXH. Có 4 địa phương có số ca mắc cao và chiếm hơn 77% số ca mắc toàn tỉnh là: Đắk Mil, Cư Jút, TP. Gia Nghĩa và Đắk Song.
Những con số "biết nói" trên cho thấy, "sát thủ" mang tên SXH đang ngày đêm âm thầm, len lỏi trong cuộc sống hàng ngày của người dân, với những mầm bệnh đáng lo ngại.
Tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, ngành Y tế cùng các địa phương tăng cường giám sát hoạt động vệ sinh môi trường, phun hóa chất chủ động diện rộng tại các xã ở huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô, Cư Jút, Đắk Song, Đắl Mil, TP. Gia Nghĩa. Đây là những khu vực nguy cơ cao, ổ dịch cũ và có chỉ số véc tơ vượt ngưỡng cảnh báo theo quy định của Bộ Y tế.
Trong đó, Trung tâm Y tế các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil được hỗ trợ triển khai các đợt phun hóa chất chủ động diện rộng tại 18 thôn, bon thuộc 10 xã. Ngoài ra, 2 huyện Cư Jút, Đắk Mil tổ chức 3 đợt phun hóa chất bằng máy phun lớn để xử lý ổ dịch tại 15 thôn ở xã Nam Dong (Cư Jút) và các xã Đắk Sắk, Đức Mạnh (Đắk Mil).
Các huyện, thành phố còn lại đều tổ chức các đợt điều tra véc tơ chủ động tại 36 điểm, là khu vực ổ dịch cũ ở 20 xã và 25 điểm có chỉ số BI hoặc DI vượt ngưỡng giới hạn cảnh báo theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, ngành Y tế tổ chức 24 đợt giám sát trong triển khai chiến dịch diệt loăng quăng và phun hóa chất chủ động phòng, chống SXH tại 32 xã, thuộc 8/8 huyện, thành phố.
Tại tuyến y tế huyện, xã duy trì thường xuyên hoạt động giám sát ca bệnh, dịch tễ, huyết thanh, véc tơ truyền bệnh định kỳ hàng tháng tại những địa bàn trọng điểm, khu vực ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch cũ, có nguy cơ cao. Ngành Y tế tỉnh tổ chức 83 đợt giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến xã về công tác phòng, chống SXH và 20 đợt giám sát hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại 541 thôn thuộc 67 xã, phường, thị trấn.
Nỗ lực kiểm soát dịch
Các huyện, thành phố hiện đang tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH. Cụ thể các đơn vị, địa phương treo 18 băng rôn; tổ chức phát thanh lưu động 19 lượt và 852 lượt phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh xã các thông điệp về phòng, chống SXH.
Ngành Y tế tỉnh phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện giám sát ổ loăng quăng nguồn trên địa bàn tỉnh và thử nghiệm hiệu lực hóa chất diệt muỗi. Cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã được tập huấn nâng cao năng lực về hướng dẫn giám sát và phòng, chống SXH.
Theo Sở Y tế, sự gia tăng các ca mắc SXH trong cộng đồng nên việc tổ chức phòng, chống khá vất vả, tốn kinh phí, nhân lực. Tuy nhiên, việc tăng cường nguồn lực, tập trung các biện pháp đã phần nào ngăn chặn được đà gia tăng của SXH.
Mặc dù vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, nhất là người dân còn tâm lý chủ quan, lơ là trong tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, nên nguy cơ gia tăng ca mắc luôn hiện hữu. Vì vậy, cùng với nỗ lực, tập trung dập dịch của ngành Y tế thì sự tham gia tích cực chủ động của cộng đồng, từng hộ gia đình, chung tay của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền cho công tác phòng, chống dịch là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh SXH.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.