Khi được xây dựng lại vào năm 1676, Bệnh viện Bethlehem hay còn gọi lái đi là “Bedlam” ở London được xem là nơi bệnh viện có vẻ ngoài sang trọng và xa hoa bậc nhất mà người ta từng nhìn thấy ở châu Âu thời bấy giờ, nhưng những câu chuyện kinh hoàng diễn ra bên trong nhà thương điên khét tiếng Bethlehem lại hoàn toàn ngược lại. Giờ đây, cái tên “Bedlam” trở thành một từ chung để chỉ các bệnh viện tâm thần hoặc miêu tả về khung cảnh hỗn loạn, điên rồ.
Bệnh viện Bethlehem thời xưa.
“Cung điện” cho người không chốn nương thân
Bệnh viện này được xem là một thắng cảnh đẹp của London mà bất cứ ai đến đây cũng đều được giới thiệu đến thăm quan. Nó nằm ngay cạnh Tu viện Westminster và vườn thú, khét tiếng đến mức tên gọi của nó đồng nghĩa với điên khùng và hỗn loạn. Nó là nguồn cảm hứng cho vô số những bài thơ, vở kịch và tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí khung cảnh xa hoa còn được so sánh với Cung điện Versailles của Pháp.
Bệnh viện Bethlehem được thành lập vào năm 1247 trước khi trở thành trung tâm điều trị bệnh tâm thần có lịch sử lâu đời nhất của châu Âu, Bethlehem khởi đầu vốn dĩ hoạt động như một cơ sở tôn giáo, thờ phụng thánh Mary vùng Bethlehem.
Cho đến trước năm 1400, nó đã trở thành một bệnh viện thời Trung cổ - tức là nơi không nhằm để được chăm sóc y tế mà chỉ đơn thuần là nơi an dưỡng cho những người cần được cứu giúp. Những ai không chốn nương thân có thể đến gõ cửa tu viện. Dần dần theo thời gian, Bethlehem biến thành nơi chuyên chăm sóc cho những người không chỉ đơn thuần là nghèo khổ mà còn không có khả năng tự chăm sóc mình – nhất là những người bị cho là ‘điên’.
Một người quét dọn ở bệnh viện nói rằng: “Tôi quét phòng người điên, lấy đồ đạc cho họ, mua xích để buộc họ và dùng roi để quất họ. Bản thân tôi cũng từng là kẻ điên ở đây nhưng tôi phải cảm ơn cha Anselm: ông ấy đã quất roi đánh, khiến tôi tỉnh táo trở lại.”
Phương pháp ngồi ghế xoay khiến nhiều bệnh nhân kinh hãi.
Vào thế kỷ 17, nơi này dần nổi tiếng và thậm chí còn xuất hiện trọng những vở kịch và bài thơ như những vở kịch kinh điển của Hamlet hay vở Macbeth của Shakespear… Đến năm 1676, bệnh viện này được dời về Moorfields, phía Bắc London để cải thiện lại cơ sở vật chất, mở rộng diện tích và nó không hề giống với bất kỳ bệnh viện nào từng được biết đến.
Được thiết kế bởi Robert Hooke, một kiến trúc sư, đồng thời là nhà triết học tự nhiên, cùng với người trợ lý tài hoa Christopher Wren. Công trình kiến trúc Bethlehem được xây dựng nguy nga với mặt tiền dài 165 mét, các hàng cột theo kiểu Corinthia, những tháp cao có mái vòm hình bát úp được lấy cảm hứng từ Cung điện Tuileries của Vua Louis XIV ở Paris. Bên trong tất cả các khu nghỉ dưỡng đều nhìn thẳng ra vườn với những lối đi dạo có hàng xanh hai bên.
Ấn tượng tổng thể đầu tiên mà người ta cảm nhận đó là nơi này này trông giống như một cung điện giành cho nhà vua chứ không phải là bệnh viện dành cho những người đầu óc không bình thường.
Người ta lý giải điều này rằng, đây là một phần nỗ lực của chính phủ để tái tạo lại London trở nên hiện đại và vĩ đại hơn sau những cuộc chiến thời trung cổ khiến London chìm trong bóng tối. Công trình này sẽ trở thành niềm tự hào của công chúng và mang trên mình sứ mệnh từ thiện. Nó sẽ làm London tốt hơn và đẹp hơn trong mắt mọi người, ‘một cung điện cho người điên’ theo cách gọi mà người ta vẫn nói về bệnh viện này”.
Tuy nhiên sự hào nhoáng của nó lại hoàn toàn khác với thực tế. Do bề ngoài quá xa hoa, và được thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết và nặng nề khiến những bức tường đằng sau bị nứt, đến mức bất cứ khi nào trời mưa nước liên tục chảy dột khắp bệnh viện. Bệnh viện mới có một khuôn mặt đẹp nhưng ở thời điểm đó người London chỉ nhìn thấy nó là một mớ hỗn độn và phiền toái, “Đó là một công trình kỳ quặc, lung lay, ọp ẹp như sắp sập ngay từ đầu. Đó là một sự tương phản mà mọi người đều thấy vào lúc đó: mặt ngoài hoành tráng còn bên trong thì thật thảm hại,” Mike Jay, tác giả cuốn sách ‘This Way Madness Lies’ ra mắt nhân dịp triển lãm: Bedlam: Viện Tâm thần và hơn thế nữa, cho biết.
Tuy nhiên chính sự khác thường này khiến cho nhiều người tò mò về nó. Theo số liệu vào năm 1681, đông đảo người dân đến thăm nơi này hàng ngày và ước tính có khoảng 96.000 người đến thăm mỗi năm. Chính phủ cũng nhận ra thực tế là Bethlehem đã trở thành một điểm đến rất thu hút. Chính bệnh viện cũng khuyến khích du khách đến thăm để họ có thể quyên góp tiền đóng góp.
“Địa ngục trần gian”
Ban đầu theo Đạo luật trợ giúp người nghèo năm 1601 quy định rằng chỉ có những người nghèo, những người không có khả năng làm việc và chăm sóc bản thân mới được cộng đồng chăm sóc, những người còn lại sẽ phải đến công xưởng hoặc nếu phạm tội sẽ bị tống vào tù.
Khoảng 200 năm trước, người Anh dễ dàng có được giấy chứng nhận tâm thần từ bác sĩ. Khi bệnh viện càng trở nên nổi tiếng, nhiều người vì không muốn vào tù hay làm việc tại công xưởng đã giả vờ bị tâm thần để được vào đây. Nhưng có một điều mà họ không ngờ tới đó là, khi bước chân vào đây có nghĩa là họ đã bước chân vào địa ngục trần gian.
Những phương pháp điều trị bệnh tâm thần thời xưa đến bây giờ vẫn khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Một trong những phương pháp nổi tiếng tàn ác đó là “ngồi ghế xoay”, được sáng chế bởi Erasmus Darwin. Người bệnh sẽ bị cột vào một chiếc ghế treo trên không, sau đó ghế xoay vòng liên tục đến hơn 100 vòng mỗi phút, liệu trình kéo dài lên đến hàng giờ.
Các bệnh nhân bị choáng váng đến mức ói mửa và chóng mặt không đi nổi nhưng đó lại được xem là những phản ứng tích cực của quá trình điều trị. Việc bệnh nhân bị nhốt trong phòng tắm lạnh, bị bỏ đói, xiềng xích và đánh đập là chuyện hết sức bình thường.
Theo lời miêu tả của một người từng tới thăm Bethlehem vào năm 1814 cho thấy đây là nơi địa ngục trần gian kinh hoàng nhất, “những người đàn ông trần chuồng bị bỏ đói và xích vào tường”. Không những thế, người ta còn dùng đỉa để hút máu bệnh nhân, sử dụng cốc thủy tinh giác hơi gây ra những vết bỏng rộp nước… những phương pháp khắc nghiệt đến nỗi các bệnh nhân không thể chịu đựng được, nhiều người bước vào và không bao giờ nghĩ có ngày được ra.
Vào thế kỷ 19, bệnh viện này một lần nữa chuyển địa điểm tới Bromley và ở thời kỳ này, phụ nữ là những người rất dễ bị nhốt vào trại tâm thần. Họ thường là những người bị trầm cảm sau sinh, nghiện rượu, mất trí, thậm chí ngoại tình cũng bị cho nhốt vào trại. Thậm chí, nhiều phụ nữ có địa vị xã hội thấp, dễ bị tổn thương là đối tượng dễ dàng bị vứt bỏ vào trại thương điên và chỉ đơn giản nếu bị chồng chán cũng bị đưa vào trại với một lý do ngớ ngẩn náo đó.
Những ví dụ điển hình như, năm 1857 một phụ nữ tên Sarah Gardner là người hầu trong gia đình giàu có bị đưa vào Bethlehem khi cô 26 tuổi và được chuẩn đoán là trầm cảm. Cùng năm đó, Eliza Josolyne, 23 tuổi bị tống vào trại. Cô hóa điên vì phải làm việc quá sức khi là người đầy tớ duy nhất trong ngôi nhà rộng 20 phòng và không thể làm hết công việc khi mùa đông đến. Cô bị căng thẳng do thời tiết khắc nghiệt và phải vật lộn để duy trì lò lửa sưởi ấm cho tất cả các phòng khi đêm xuống.
Ngoài ra, đây là nơi chữa trị cho nhiều người nổi bật như John Frith - người tự nhận mình là Thánh Paul và ném đá vào vua Henry III vào năm 1790; Edward Oxford - người đầu tiên trong số tám người cố gắng giết Nữ hoàng Victoria vào năm 1840; Richard Dadd - một họa sĩ nổi tiếng đã giết chết cha mình vì cho rằng ông ấy là ma quỷ; Margaret Nicholson - người đã có ý định ám sát vua George III năm 1786…
Sau này cùng với sự phát triển của khoa học, những phương pháp điều trị đáng sợ của Bethlehem dần bị loại bỏ. Cho đến năm 1815, viện tâm thần này bị đập bỏ và giờ đây trở thành một trung tâm triển lãm những bức tranh do những người tâm thần từng sống tại đây sáng tác...
Bùi Mến (Báo Pháp Luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.