Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Nhân viên lau dọn "than" mất bóng đèn, vòi xịt xảy ra như cơm bữa
Gia Khiêm
Thứ hai, ngày 06/03/2023 06:09 AM (GMT+7)
Có nhân viên lau dọn nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội cho biết, bên cạnh việc xuống cấp, nơi chị làm việc có rất nhiều trộm "để mắt" đến nên việc mất bóng điện, vòi xịt,... xảy ra như cơm bữa.
Là công trình phụ nhưng nhà vệ sinh công cộng lại là dịch vụ có ý nghĩa thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút khách du lịch. Ở các đô thị tiên tiến, vấn đề nhà vệ sinh công cộng luôn được các nhà quy hoạch quan tâm bởi tác dụng trong đảm bảo môi trường, giữ cho mỹ quan thành phố sạch đẹp, hiện đại.
Tại các quận trung tâm Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng về cơ bản phục vụ tốt cho người dân, nhất là tại các điểm tập trung đông người như những tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, một số địa điểm khác thì nhà vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của nhiều người. Thậm chí chính trực tiếp từ những nhân viên trông coi, dọn dẹp.
Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng Hà Nội. Clip: Gia Khiêm
Chia sẻ với PV Dân Việt, một nữ nhân viên trông nom nhà vệ sinh khu vực bến xe Giáp Bát chia sẻ, đã có thâm niên nhiều năm làm việc tại đây. Theo người này, trước đây hình ảnh nhà vệ sinh xuất hiện kim tiêm do một số đối tượng tiêm chích để lại là điều không khó bắt gặp khiến nhiều người không khỏi ám ảnh. Chính trong đó có lực lượng vệ sinh phải trực tiếp thu dọn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tình trạng này gần như không còn.
"Khu vực nhà vệ sinh này mỗi ngày khá đông người qua lại. Tôi cùng một người nữa thay nhau người quét dọn, tẩy rửa, người thì lấy vòi xịt. Khổ nhất ngày mưa bẩn mọi người đi lại nhiều ngày cũng mấy chục lần dọn dẹp liên tục", người này chia sẻ và cho biết, có trường hợp đi nhà vệ sinh nhưng không xả nước, thậm chí phóng uế ra ngoài dọn dẹp rất vất vả.
Còn chị H. có hơn 2 năm kinh nghiệm dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội chia sẻ, nơi chị làm việc có rất nhiều trộm "để mắt" đến nên việc mất bóng điện, vòi xịt,... xảy ra như cơm bữa.
Thậm chí, trộm còn dùng cưa để cắt thanh sắt trên mái của nhà vệ sinh. Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, hiện nhà vệ sinh công cộng nơi chị H. trông coi đã xuống cấp, phần nền hư hỏng, một số bóng đèn bị mất.
"Một tháng làm đủ 30 ngày tôi nhận được mức lương 6 triệu đồng (chưa đóng bảo hiểm), nếu gia đình có công to, việc lớn không thể đi làm tôi bỏ tiền túi ra thuê người trông coi hộ. Làm gì cũng phải có tâm nên chỉ thấy nhà vệ sinh bẩn là tôi dọn dẹp ngay", chị H. nói.
Thiếu chi phí duy tu, bảo trì nhà vệ sinh công cộng
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), hiện nay, trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây chỉ có hơn 400 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Số lượng ít ỏi còn lại rải rác ở các quận khác cho thấy sự thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng, nhất là với đô thị có xấp xỉ 8,5 triệu dân như Hà Nội.
Urenco hiện đang thực hiện duy trì làm sạch các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn 5 quận, bao gồm 176 nhà các loại gạch, bằng thép. Đến nay, một số nhà vệ sinh công cộng bằng gạch xây dựng lâu năm (trước năm 1990) đã xuống cấp, hư hỏng như phần tường gạch cũ kèm ẩm mốc; các nhà vệ sinh thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ; hệ thống thiết bị hỏng; đèn chiếu sáng đa phần không hoạt động, ảnh hưởng đến việc sử dụng phục vụ cộng đồng, gây mất mỹ quan đô thị.
Vị đại diện này cũng cho hay, tuy nhiên, công tác duy tu còn gặp nhiều khó khăn và chỉ dừng lại ở việc sửa chữa nhỏ lẻ. Bởi căn cứ theo hợp đồng duy trì các nhà vệ sinh công cộng chỉ chi trả cho công tác duy trì làm sạch, không có chi phí dành cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa.
Để giải quyết những tồn tại, có được sự phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân, đại diện Urenco kiến nghị cần cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng hiện có. Đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng trên những đường phố chính, các điểm du lịch, thương mại và các nơi công cộng khác chưa có nhà vệ sinh công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế về tổ chức quản lý duy trì, các quy chế hoạt động, quy định và hướng dẫn việc sử dụng và giữ gìn các nhà vệ sinh công cộng. Quy định các trung tâm thương mại, các bến xe, công viên, chợ, đặc biệt là các quán bia giải khát... nhất thiết phải có nhà vệ sinh công cộng cho khách hàng. Mặt khác, người dân cũng phải được hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức trong sử dụng và bảo vệ tài sản chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.