Ấm áp tình người ở Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa

Khiếu Tư Thứ năm, ngày 27/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa (xã Quảng Thọ, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, tiếp thêm nghị lực để thương, bệnh binh nặng vươn lên sống vui, sống khỏe.
Bình luận 0

"Mái nhà thứ 2"

Tại Khoa Quản lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và người có công, không gian sống xanh, thoáng đãng, mát mẻ. Những khoảng đất trống nay được phủ đầy bởi những vạt hoa đang đua nhau khoe sắc. Trong khu vườn nhỏ, các cán bộ cùng với những thương bệnh binh đang miệt mài làm việc, người cuốc đất, người trồng rau, người nhổ cỏ, tưới rau và trò chuyện rôm rả, không khí gần gũi như một gia đình…

Ấm áp tình người ở Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Thị Thịnh thăm hỏi, động viên các thương binh tại Khoa Quản lý, chăm sóc thương binh bệnh binh nặng và người có công. Ảnh: Dân Sinh

"Ở đây, hàng ngày, tôi và những người bạn già cùng cảnh ngộ trò chuyện tâm giao; được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Trung tâm đã là nhà và cán bộ nơi đây như con cái ruột thịt".

Bà Nguyễn Thị Bông

Hai dãy nhà cấp 4 được chia làm nhiều phòng nhỏ, là nơi sinh sống của hơn 40 thương, bệnh binh nặng và người có công, được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Mỗi phòng rộng chừng 20m2, có nhà vệ sinh khép kín, được trang bị đầy đủ điều hòa, quạt. Sau giờ thăm khám, uống thuốc, phục hồi chức năng… dưới những tán cây rợp bóng mát, các thương, bệnh binh quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ về cuộc sống, sức khỏe… Không khí thật ấm cúng, chân tình.

Là vợ liệt sĩ, hơn 11 năm gắn bó tại Trung tâm, bà Nguyễn Thị Bông (ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã coi Trung tâm như mái nhà thứ 2, các cán bộ, y bác sĩ như người thân của mình. Nay đã bước sang tuổi 80, bà thực sự cảm thấy hạnh phúc và yên tâm dưỡng già tại mái ấm này.

Bà Bông xúc động cho biết, năm 1962, bà lập gia đình. Ở với nhau được 4 ngày, chồng bà có lệnh nhập ngũ. Bốn năm sau, bà nhận được tin chồng hy sinh ngoài chiến trường. Từ đó, bà ở vậy thờ chồng. Năm 2009, khi sức khỏe yếu dần, không con cái, sống một mình, bà quyết định vào Trung tâm.

"Ở đây, hàng ngày, tôi và những người bạn già cùng cảnh ngộ trò chuyện tâm giao; được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Người già nhiều bệnh, bản thân tôi bị bệnh tim nên nhiều khi đột ngột ngất xỉu. Khi tỉnh lại, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là những y, bác sĩ tại Trung tâm đang túc trực, chăm sóc thuốc thang tận tình. Trung tâm đã là nhà và cán bộ nơi đây như con cái ruột thịt. Tôi rất yên tâm khi dưỡng già tại Trung tâm này" - bà Bông chia sẻ.

Gần 40 năm qua, thương binh Nguyễn Quốc Tuynh, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã coi Trung tâm Điều dưỡng người có công như mái nhà thứ 2 của mình. Dù đã bỏ lại chiến trường một phần cơ thế là cánh tay trái và đôi mắt, nhưng đối với ông, từng con đường, lối đi, từng căn phòng tại Trung tâm đã trở nên quen thuộc. Ở đây, được chăm sóc, sẻ chia, ông rất yên tâm khi gửi gắm quãng đời còn lại nơi đây.

Nỗ lực vì người có công

Trưởng Khoa Quản lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và người có công Trịnh Văn Cường cho biết: Hiện tại, khoa đang trực tiếp quản lý và điều trị hơn 40 thương binh, bệnh binh nặng. Hầu hết các bác đều có thương tật và di chứng nặng cho chiến tranh để lại, mắc thêm nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Bằng tình cảm và trách nhiệm, các nhân viên của Trung tâm luôn cố gắng chăm sóc, phục vụ hết sức để các bác luôn cảm thấy thoải mái nhất.

Ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa cho biết: Trung tâm đang quản lý 236 người có công với cách mạng, trong đó có 41 thương binh, bệnh binh nặng có bệnh lý tổng hợp; 29 người là vợ liệt sĩ già cô đơn; 71 thương bệnh binh tâm thần mạn tính nặng; 90 nạn nhân nhiễm chất độc da cam... Tình hình thương tật, bệnh tật của các đối tượng chính sách đa dạng, phức tạp; nhiều thương, bệnh binh bị tâm thần. Trung tâm thường xuyên có từ 9-13 nhân viên chăm sóc, phục vụ những thương binh, bệnh binh vết thương và bệnh tật, bệnh lý tái phát, phải đi các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương chữa bệnh.

"Chúng tôi mong ngành chức năng hỗ trợ đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho Trung tâm; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nạn nhân chất độc da cam, thân nhân liệt sĩ già cô đơn, con liệt sĩ tật nguyền... Đó là nguồn cổ vũ, động viên để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho tất cả các đối tượng trong Trung tâm ngày càng tốt hơn" - ông Thư chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem