Âm hưởng Tuyên ngôn Độc lập và phát huy sức mạnh cội nguồn
Âm hưởng Tuyên ngôn Độc lập và phát huy sức mạnh cội nguồn
GS-TSKH Vũ Minh Giang
Thứ tư, ngày 02/09/2020 06:51 AM (GMT+7)
Để hiểu thật sâu sắc giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chủ tịch đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, chúng ta cần nhìn vào chiều sâu của lịch sử.
Tính từ năm 1945 đến nay đã tròn 75 năm. Đối với lịch sử dân tộc, quãng thời gian đó không phải là dài, nhưng đối với hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử Việt Nam thì trong thời gian đó đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện với nhiều điểm son, rất nhiều bài học vô giá và đặc biệt đó là dịp để bản lĩnh của dân tộc Việt Nam được thể hiện.
Cách mạng tháng Tám không chỉ ghi dấu thành công của cuộc cách mạng thông thường
Để hiểu thật sâu sắc giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chủ tịch đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, chúng ta cần nhìn vào chiều sâu của lịch sử. Dân tộc Việt Nam sinh cơ lập nghiệp trên một địa bàn có vị trí địa chính trị, địa chiến lược rất đặc biệt, khác với nhiều quốc gia. Chính do tác động của vị trí đặc biệt này mà lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam đã có những đặc điểm rất khó lý giải với các học giả nước ngoài.
Có thể nói sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc là sức mạnh vô địch và là nguồn lực vô biên, nhưng không phải lực lượng nào cũng có thể nắm giữ và khia thác được. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam nắm rất vững quy luật này, cho nên trong lịch sử Đảng đã dẫn dắt dân tộc vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Hầu như ở tất cả vùng Đông Nam Á, nhà nước đầu tiên đều xuất hiện vào đầu Công nguyên dưới tác động của văn minh Ấn Độ. Nhưng Việt Nam lại lập quốc từ trước đó tới 7-8 thế kỷ. Các nhà sử học đã lý giải thế nào về hiện tượng này? Thứ nhất, nhu cầu cấu kết, phải có tổ chức đứng lên trên các làng xã để đối phó với thiên tai. Bởi vùng đất của người Việt lũ lụt thường xuyên, đến mức mà khi lập quốc thì dân tộc Việt Nam gọi Tổ quốc mình là nước (không có dân tộc nào trên thế giới gọi tổ quốc mình là nước như vậy). Cho nên con người ở đây cần một tổ chức đứng trên các làng xã để giải quyết bài toán này.
Ở vế thứ hai, dân tộc Việt Nam sống cạnh một tộc người đã xây dựng lên một đế chế hùng mạnh (có thời kỳ nhất thế giới), hướng để họ mở rộng ảnh hưởng đều xuống phía Nam. Như vậy người Việt trở thành đối tượng bị tấn công thường xuyên để chiếm và đồng hóa.
Qua phân tích trên có thể thấy hai tác động khách quan cực kỳ mạnh, đó là chống lũ lụt thiên tai để làm ăn, chống lại giặc ngoại xâm để bảo tồn giống nòi, do đó nhà nước đã ra đời sớm.
Dân tộc chúng ta trong suốt lịch sử luôn phải gồng mình lên để giành, giữ độc lập. Biết bao nhiêu thế hệ phải hy sinh xương máu. Có thể nói do hoàn cảnh, độc lập như một giá trị cực kỳ thiêng liêng với người Việt.
Từ lịch sử xa xưa nhìn lại cách mạng tháng Tám 1945, đó không chỉ ghi dấu thành công của một cuộc cách mạng theo nghĩa thông thường mà là một dấu mốc chấm dứt gần một thế kỷ mất độc lập, là kỳ tích của sự nghiệp giành độc lập.
Có thể nói, cho đến hôm nay chưa bao giờ chúng ta được bình yên, vì vậy lời tuyên bố về quốc gia độc lập của Hồ Chủ tịch luôn luôn đầy ắp giá trị thời đại. Nhìn vào bối cảnh ngày nay, chỉ cần lơi lỏng là chúng ta mất chủ quyền, lơi lỏng một chút là quốc gia bị xâm phạm.
Trước năm 1945, nước Việt Nam không còn trên bản đồ thế giới. Khi ấy người ta chỉ biết đến xứ Đông Dương thuộc Pháp. Việc giành lại chính quyền năm 1945 đã đáp ứng một khát vọng gần một thế kỷ của toàn dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một tuyên bố đanh thép cho cả thế giới biết rằng người Việt Nam lại đứng dưới ánh sáng mặt trời, bình đẳng với các dân tộc khác. Đây là điều vĩ đại lắm, lớn lao lắm, không đơn thuần chỉ là thành công của cuộc cách mạng theo nghĩa thông thường, vấn đề còn cao hơn thế.
Ngay sau đó để gìn giữ nền độc lập non trẻ, dân tộc ta phải mất 9 năm kháng chiến chống Pháp rồi lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tính ra sự nghiệp độc lập, thống nhất non sông để hoàn thiện, chúng ta mất 30 năm.
Nhưng sau đó chúng ta vẫn chưa được yên ổn, lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979); bảo vệ biển đảo… Có thể nói, cho đến hôm nay chưa bao giờ chúng ta được bình yên, vì vậy lời tuyên bố về quốc gia độc lập của Hồ Chủ tịch luôn luôn đầy ắp giá trị thời đại.
Giữ gìn "bảo bối gia truyền"
Tiêu ngữ đặt dưới tên nước của chúng ta là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", chính Hồ Chủ tịch đã nói nếu đất nước độc lập mà dân không được tự do, không được hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Cho nên mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt - Đảng do Hồ Chủ tịch sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện còn cả quá trình gian lao để thực hiện được ước nguyện đặt ở tiêu ngữ của quốc gia. Chúng ta đang từng bước để thực hiện điều đó. Nhìn nhận xuyên suốt như vậy để thấy âm hưởng của bản Tuyên ngôn Độc lập rõ ràng đến nay vẫn như ngọn đuốc soi đường.
Cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng qua các thời kỳ dưới con đường được Hồ Chủ tịch vạch ra thì chúng ta cũng thấy một sức mạnh cực kỳ to lớn, có thể coi sức mạnh vô địch, đó là sự đoàn kết. Người Việt Nam chúng ta được thừa hưởng từ cha ông một đất nước tươi đẹp, ai cũng có tình yêu quê hương, nhưng chúng ta cũng hiểu chúng ta là dân tộc không đông, vị trí đất nước không dễ bảo vệ.
Vậy chúng ta lấy gì để gìn giữ đất nước? Kinh nghiệm cho hay sau hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, chúng ta có "bảo bối gia truyền" đó là đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên khi nói về sức mạnh toàn dân, Hồ Chủ tịch nói "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công".
Nói đoàn kết là "bảo bối" giúp dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn, đây là điều đã được kiểm chứng qua những khúc quanh của lịch sử, khi nào khối đoàn kết bị phương hại, khi nào đoàn kết toàn dân bị lỏng lẻo vì lý do khách quan, chủ quan nào đó là chúng ta mất nước. Ví dụ, trường hợp nhà Hồ (thế kỷ XV), nhà Nguyễn thế kỷ XIX.
Ở thời khắc tròn 75 năm ngày thành lập nước, nếu chúng ta không thực sự cầu thị, không thực sự xem vấn đề một cách nghiêm túc mà lơ là, chủ quan dẫn tới sai lầm thì hậu quả khôn lường, nghĩa là chúng ta đang ở đỉnh cao thắng lợi mà quên mất rằng nền tảng để tạo nên những thắng lợi là đoàn kết dân tộc. Vì thế khi có những dấu hiệu gì khiến khối đoàn kết bị rạn nứt thì phải nhanh chóng có cách nào đó, có chủ trương, giải pháp nào đó để hàn gắn và phát triển; hàn gắn phải trên cơ sở thống nhất ý chí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.