Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn

Kỳ Duyên Thứ bảy, ngày 06/01/2024 06:00 AM (GMT+7)
Sau 20 phút, bà Tuyết đã chọn được 2 chiếc áo ưng ý. Sau khi được nhân viên đóng gói cẩn thận, bà ra về mà không cần chi trả một đồng nào.
Bình luận 0

Không muốn tạo thêm gánh nặng cho con cái, năm nay, bà Nguyễn Thị Tuyết (quận Bình Thạnh) tìm đến cửa hàng 0 đồng để lựa đồ để mặc Tết thay vì mua đồ mới như những năm trước. Qua lời giới thiệu của bạn bè, đây là lần đầu tiên bà Tuyết biết đến mô hình cho - nhận đầy nhân văn giữa lòng Sài Gòn này.

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 1.

Cửa hàng 0 đồng là nơi lui tới của bà con lao động nghèo suốt 2 tháng nay. Ảnh: Kỳ Duyên

9 giờ, cửa hàng 0 đồng tại cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) của chị Bùi Thị Thu Uyên đã tấp nập khách ra vào. Những người phụ nữ tỉ mỉ xem xét chất lượng những đôi giày búp bê được trưng trên kệ, các cụ bà lại bận rộn ướm thử chiếc váy xinh xắn lên người cháu gái. Họ đa phần đều là tiểu thương, người bán vé số, xe ôm, có thu nhập thấp, muốn đến đây chọn quần áo để tiết kiệm một khoảng tiền mua sắm.

"Năm nay kinh tế khó khăn, nhiều người chú trọng đến cái ăn mà quên đi cái mặc. Mô hình này phần nào giúp họ có quần áo mới, đặc biệt là vào dịp cận Tết. Bên cạnh người lao động bình dân, thỉnh thoảng, cửa tiệm vẫn đón tiếp học sinh, dân văn phòng. Bất cứ ai cũng đều có thể đến đây chọn đồ và đều được tiếp đón như nhau", chị Uyên cho biết.

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 2.

Dù là buổi sáng, cửa tiệm vẫn tấp nập người ra vào. Ảnh: Kỳ Duyên

Mở cửa lúc 9h và đóng cửa vào 11h30, gần 3 tiếng ròng, chị Uyên cùng các cộng sự luôn làm việc không ngừng nghỉ. Cả đội tổng cộng 10 người, bất cứ ai có thời gian rảnh sẽ đến phụ một tay. Người đi nhận quần áo quyên góp, người phân loại quần áo. Tất bật nhất vẫn là các nhân sự châm sào quần áo, cách 1 tiếng lại phải châm đồ lên sào một lần. Chỉ độ nửa tiếng sau, lượng quần áo trên sào đã vơi đi non nửa.

Dù làm việc luôn tay, nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi các nhân viên. Khi thấy người đàn ông dáng vẻ lom khom bước vào, loay hoay chọn quần áo, một nữ nhân viên của cửa hàng vẫn bỏ dở công việc để tư vấn: "Chú làm tài xế thì nên mặc áo dày như thế này, áo này có cả túi phía trước, chú có thể để tiền và điện thoại".

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 4.

Người dân mua sắm tại Cửa hàng 0 đồng. Ảnh: Kỳ Duyên

Cửa hàng 0 đồng này được chị Thu Uyên và các cộng sự duy trì suốt 2 tháng nay. Những ngày đầu, quần áo được chị quy động từ chính người thân trong gia đình và bạn bè. Hàng trăm móc treo quần áo cũng là các nhân sự của nhóm lặn lội đến từng cửa hàng quần áo xin về.

Trước đây, cửa tiệm chỉ hoạt động vào thứ 2, thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Sau khi được nhiều người biết đến đặc biệt là đang độ cận Tết, chị Uyên quyết định mở cửa 6 ngày/tuần để đón khách. Riêng thứ 4, cửa tiệm không hoạt động để dành thời gian nấu cơm từ thiện, phục vụ các bệnh nhi và người nhà tại bệnh viện Nhi đồng 1.

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 5.

Nhân viên phải làm việc liên tục để phục vụ lượng khách ngày một tăng. Ảnh: Kỳ Duyên

Quần áo tại cửa hàng được chia ra làm 3 khu: Khu quần áo nam, quần áo nữ và trẻ em. Từ đầm, váy, áo khoác đến áo sơ mi, tất cả đều có thể được tìm thấy tại đây. Đặc biệt, tại khu quần áo trẻ em còn có các loại sách giáo khoa, gấu bông. Tất cả đều là do bà con gần xa chung sức quyên góp. Dù là đồ cũ, thế nhưng đều được trải qua các khâu chọn lọc kỹ càng. 

Không ít lần, chị Uyên tìm thấy quần áo hiệu, vẫn có nhãn mác trong các kiện quần áo quyên góp. Nhiều cửa hàng quần áo biết đến mô hình này đã gửi thẳng đến tiệm vài bao quần áo, lan tỏa tấm lòng thơm thảo đến bà con.

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 6.

Quần áo được phân loại và treo ngăn nắp. Ảnh: Kỳ Duyên

Đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày, chị Uyên vẫn ấn tượng với người đàn ông bán cà rem đến tiệm vào những ngày đầu tiên. Thấy anh chỉ chọn quần áo cho vợ, chị Uyên ngỏ lời muốn tặng anh thêm vài món đồ, anh nhìn vào tấm biển "Mỗi người chỉ nhận 3 món đồ" rồi lắc đầu từ chối vì đã đủ số lượng quy định. Kể từ đó, quy định này cũng được gỡ bỏ, mọi người được phép đến lấy tùy theo nhu cầu.

"Dù là những người lao động nhưng họ vẫn rất thật thà, có ý thức. Tôi thấy được tính nhân văn khi thực hiện mô hình này", chị Uyên nói.

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 7.

Lời nhắn ấm lòng mà khách gửi đến cửa tiệm. Ảnh: Kỳ Duyên

Lựa được 2 chiếc áo sơ mi và 1 chiếc áo khoác, trước khi rời đi, anh Tân Minh (quận 7, TP.HCM) quyết định chụp lại bảng hiệu cùng thông tin liên hệ của cửa tiệm và đăng tải lên mạng xã hội, lan tỏa cho các anh em tài xế công nghệ khác tìm đến.

"Vô tình thấy được cửa tiệm này trên mạng xã hội nên tôi muốn ghé vào chọn đồ để tiết kiệm tiền. Những mô hình này thật sự ý nghĩa đối với những người khó khăn, cánh xe ôm công nghệ như tôi", anh nói.

Người đến chọn đồ nhiều, người quyên góp cũng tăng. Mỗi ngày, chị nhận ngót nghét hàng trăm kí quần, áo. Có những người vận động quyên góp với số lượng lớn, mỗi đơn hàng được giao đến tiệm có trọng lượng lên đến 50-60kg là chuyện không hiếm gặp. Trước đây, đội bố trí nhân sự đến tận nơi lấy quần áo mà khách quyên góp, thế nhưng hiện tại chỉ nhận khách quyên góp tại tiệm trong các khung giờ cố định.

Ấm lòng cửa hàng 0 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 8.

Cánh đàn ông cũng rất ưa chuộng quần áo tại đây. Ảnh: Kỳ Duyên

Số lượng quần áo quá tải, chị lại gửi đến chùa Diệu Giác, Kỳ Quang... để phục vụ mục đích từ thiện. Bên cạnh đó, cả đội cũng phân loại và quyên góp cho các trại mồ côi để các em có quần áo mặc. Những ngày đầu năm mới, chị Uyên và các cộng sự làm việc đến tận nửa đêm để kịp gửi 2,5 tấn quần áo đến một ngôi làng nghèo tại khu vực Bảo Lâm (Lâm Đồng). Tất cả đều là quần áo ấm, khăn choàng, để người dân chống chọi với cái rét.

"Sau khi xem video bà con tại Bảo Lâm hưởng ứng những món quần áo tôi gửi tặng rất nhiệt tình, bao nhiêu mệt mỏi cũng đều tan biến", chị Uyên tâm sự.

Vài hôm trước, có đôi vợ chồng đến lựa khoảng 10 món đồ, đến lúc ra về lại dúi vào tay các nhân viên 50.000 vì "thấy mọi người cực nên thương quá". Tuy nhiên, các nhân viên đều đồng loạt không nhận vì sai mục đích đặt ra ban đầu.

"Cửa hàng mở ra với mục đích nhân văn. Chúng tôi chỉ nhận quần áo quyên góp nên ai có dư có thể mang đến cho người còn thiếu, nếu nhận tiền sẽ làm mất đi ý nghĩa ban đầu", một nữ cộng sự nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem