Âm thầm đi xét nghiệm ADN vì phát hiện hai con khác nhóm máu với mình
Phát hiện hai con khác nhóm máu với mình, người cha âm thầm đi xét nghiệm ADN
Gia Khiêm
Thứ hai, ngày 18/03/2024 06:15 AM (GMT+7)
Sau một lần đi xét nghiệm máu, anh Tuấn phát hiện nhóm máu của con trai là AB, con gái là O, trong khi mình thuộc nhóm máu B. Điều này làm dấy lên trong anh nghi ngờ: Liệu có đứa không phải con mình?
Người cha nằng nặc đòi xét nghiệm ADN vì 2 con không cùng nhóm máu
Trong một lần đưa 2 con đi khám, anh Tuấn (45 tuổi) đã tình cờ biết được 2 đứa con của anh có nhóm máu khác hoàn toàn bố. Sau một thời gian suy nghĩ rất lâu, anh đã quyết định đi làm xét nghiệm ADN.
Đó là trường một trường hợp khách hàng mà bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền vẫn còn nhớ mãi. Khi cầm kết quả, anh đã nghiên cứu rất lâu, sau một hồi, anh Tuấn hỏi bà Nga: "Cả hai đứa trẻ đều là con của tôi à?".
Bà Nga cũng lấy làm lạ, bình thường nếu các trường hợp khác khi xét nghiệm quan hệ huyết thống khẳng định là con mình thì vui mừng ra mặt. Thế nhưng trên gương mặt của anh Tuấn lại tỏ ra một sự nghi ngờ không hề nhẹ.
Anh Tuấn thắc mắc quay sang hỏi bà Nga: "Sao 2 đứa trẻ là con của tôi mà lại không cùng nhóm máu?"
Theo anh Tuấn trong một lần đi khám bệnh cho con, anh phát hiện cả 2 đứa con đều không cùng nhóm máu với anh. Đứa con trai nhóm máu AB, còn đứa con gái thì nhóm máu O. Chính vì sự nghi ngờ 2 đứa trẻ có 2 nhóm máu khác nhau không giống bố nên anh Tuấn đã quyết định đi làm xét nghiệm ADN.
Khi biết câu chuyện của anh Tuấn bà Nga có chia sẻ, anh thuộc nhóm máu B, vợ nhóm máu A sinh ra con nhóm máu AB và O là rất bình thường.
"Anh nảy sinh nghi ngờ xét nghiệm ADN vì con khác nhóm máu hay vì một lý do nào khác?", bà Nga hỏi anh Tuấn.
Anh Tuấn cũng thừa nhận chắc do bản thân quá đa nghi. Vì vợ anh là một người phụ nữ tốt, cô ấy cũng chưa từng làm gì để anh phải nghi ngờ. Nhưng do kết quả thử máu của 2 đứa trẻ khác nhau và không giống bố nên anh đứng ngồi không yên.
Bà Nga nói với anh, thay vì nghi ngờ vợ, trước đó anh nên hỏi rõ bác sĩ khi quyết định đi làm ADN. Nếu chịu khó tìm hiểu thì anh Tuấn đã không phải mất thêm tiền và cũng giải đáp được những khúc mắc trong lòng.
"Số lượng nhóm máu rất ít, nhân loại có tới 8 tỷ người nếu cứ cùng nhóm máu là cha con thì…", bà Nga nói với anh Tuấv. Lúc này anh mới thoải mái tinh thần anh xin lỗi vì nghi ngờ kết quả xét nghiệm và cảm ơn bà Nga.
"Đúng là đa nghi quá hoá nguy chị ạ. Cảm ơn chị về những lời giải thích dễ hiểu. Giá mà tôi thành thật thổ lộ hết những khúc mắc của mình với chị trước khi lấy mẫu xét nghiệm thì đỡ cho tôi quá. Nhưng thôi để chị làm cho khách quan thế này cũng tốt", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn chào bà Nga bước ra về. Nhưng vừa ra khỏi cửa anh đột ngột quay lại, anh đưa lại tờ giấy xét nghiệm cho bà Nga và nhờ huỷ giúp. Anh nói anh không cần tới tờ giấy xét nghiệm đó nữa.
Bà Nga nói anh có thể tự tay huỷ bỏ kết quả xét nghiệm vừa rồi. Sau đó, anh Tuấn đã xé bỏ kết quả và hạnh phúc ra về.
Vì sao nhiều anh chị em ruột nhưng khác nhau nhóm máu?
Từ câu chuyện trên, bà Nga cũng phân tích về di truyền học trong hệ thống nhóm máu anh chị em không cùng một nhóm máu là rất bình thường. Do nhóm máu của bố mẹ kết hợp có thể tạo ra những nhóm máu khác nhau ở đời con. Do đó, nếu gia đình có hai con thì các con có thể mang nhóm máu khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp các con có cùng nhóm máu với nhau và cùng nhóm máu với bố mẹ. Cụ thể: Nếu bố có nhóm A, mẹ nhóm máu A, con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu O. Bố có nhóm A, mẹ nhóm máu B (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang một trong 4 nhóm máu A, B, AB hoặc O. Bố có nhóm A, mẹ nhóm máu AB (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A, hoặc nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB.
Nếu bố có nhóm A, mẹ nhóm máu O (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu O. Bố có nhóm B, mẹ nhóm máu B, con sinh ra có thể mang nhóm máu B hoặc nhóm máu O. Nếu bố có nhóm B, mẹ nhóm máu AB (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB. Nếu bố có nhóm B, mẹ nhóm máu O (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu B hoặc nhóm máu O.
Ngoài ra, nếu bố có nhóm AB, mẹ nhóm máu AB, con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB. Nếu bố có nhóm AB, mẹ nhóm máu O (hoặc ngược lại), con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc nhóm máu B. Nếu bố có nhóm O, mẹ nhóm máu O, con sinh ra chỉ có thể mang nhóm máu O.
Bà Nga cũng cho biết thêm, trên đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" khi thực hiện xét nghiệm ADN. Đa phần những trường hợp đến xét nghiệm ADN nhằm mục đích tìm lại, xác định nhân thân gia đình, bố mẹ con ruột.
Có hàng ngàn cuộc đời, số phận xoay quanh xét nghiệm này. Có nhiều người nhờ ADN mà đã cứu vớt được hạnh phúc của mình trước nguy cơ tan vỡ. Tuy vậy, không ít người đau khổ trước sự thật được phơi bày.
Theo chuyên gia chỉ dựa vào nhóm máu để xác định quan hệ huyết thống là chưa đủ cơ sở. Xét nghiệm ADN là cách xác định chính xác nhất quan hệ huyết thống. Xét nghiệm ADN là phân tích thông tin ADN ở 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều người để xác định mối quan hệ di truyền.
Xét nghiệm ADN bằng bộ 24 gen có độ chính xác cao lên tới hơn 99,99999%. Để thực hiện xét nghiệm ADN, bạn có thể dùng mẫu tóc có chân tóc, móng tay, móng chân, máu đầu ngón tay, niêm mạc miệng, cuống rốn của trẻ mới sinh…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.