Bài học về sự chừng mực
Bước sang tuổi 91 nhưng họa sĩ Phan Kế An vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông bảo mỗi khi trời Hà Nội chuyển sang thu lại thấy lòng chộn rộn khi nhớ về những ngày sôi nổi của Cách mạng tháng Tám, rồi những ngày lên chiến khu kháng chiến với công việc họa sĩ làm ở Báo Sự thật.
Bức họa Bác Hồ của họa sĩ Phan Kế An.
“Một ngày cuả năm 1948, tôi được ông Trường Chinh (lúc đó phụ trách Báo Sự thật) gọi lên giao nhiệm vụ đi vẽ chân dung Hồ Chủ tịch. Được ở gần Bác, thời gian không hạn chế nhưng phải có một bức chân dung Bác để in Báo Sự thật. Tôi thấy sung sướng vô cùng nhưng lại thấy lo lắng trước trách nhiệm rất nặng nề”.
Sáng hôm sau, họa sĩ Phan Kế An cưỡi ngựa lên đường tìm đến khu Bác đang ở và làm việc. Đến trạm giao liên ở trên đèo De (Thái Nguyên), họa sĩ An xuống ngựa và được người giao liên chỉ đi theo con đường mòn giữa rừng khoảng 300m đến bản Khuôn Tát nơi Bác ở.
“Tôi khoác ba lô đi được khoảng 100m thì đã thấy Bác mặc bộ áo nâu, dép cao su, đầu trần bước ra đón... Tôi rất bất ngờ và rất xúc động vì lần đầu tiên được đón tiếp như thế. Nghĩ mình chỉ là anh thanh niên 25 tuổi, còn Bác là lãnh tụ tối cao, tuổi thì cũng tầm cha mình mà sao Bác vẫn dành cho mình sự trân trọng” - họa sĩ An kể.
Tiếp đó, họa sĩ An được Bác dẫn vào một cái lán to, giới thiệu với tất cả cán bộ, nhân viên trong đó. Bữa cơm đầu tiên đãi khách vào khoảng 6 giờ chiều, dưới tán cây rừng chỉ có Bác và họa sĩ An. “Bữa cơm thịnh soạn hơn thường, Bác có mang ra chai rượu thuốc và 2 cái chén bằng hạt mít. Bác rót rượu mời tôi và bảo An cứ tự nhiên. Tôi đang tuổi thanh niên cứ nhấc chén làm một ngụm là hết, Bác lại rót cho tôi. Bữa cơm đầu tiên ăn với Bác rất vui, tôi đã uống đến 7 - 8 chén rượu”- họa sĩ An nhớ lại.
Những bữa cơm của Bác khi thì có thêm khách, cũng có lúc chỉ có lúc chỉ có Bác và họa sĩ An. “Một lần trong bữa cơm thấy Bác uống hết chén rượu tôi liền lấy chai ra rót. Bác lấy tay bịt miệng chén rồi nói: An ạ, uống rượu ít thì tốt cho sức khỏe, còn uống nhiều không hay đâu. Tôi bỗng chột dạ nghĩ mấy bữa trước Bác rót chén nào mình uống hết chén đó, đây là bài học đầu tiên về sự chừng mực, nó nhẹ nhàng nhưng làm mình thấm thía rất nhiều. Từ hôm ấy khi ăn cơm tôi không dám nhận của Bác chén rượu thứ hai” - họa sĩ An cho biết.
Những điếu thuốc Bác tặng
Trong thời gian sống gần Bác, họa sĩ càng thêm thấm thía về sự giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ kính yêu. Lão họa sĩ kể, trong giao tiếp với Bác, Bác luôn xưng là là mình gọi họa sĩ là An. Trong sinh hoạt, chuyện trò với mọi người, Bác hay dí dỏm để tạo sự vui vẻ.
Sau giờ làm việc, thời gian buổi chiều họa sĩ An cùng ra đánh bóng chuyền với Bác và mọi người trong cơ quan. Chỉ là sân nhỏ căng dây thừng thay lưới. Một lần quả bóng bị bắn ra ngoài sân, lăn theo dốc mòn, đường thì hẹp, họa sĩ An định lao theo để nhặt thì Bác giữ vai lại và bảo: “An không thấy à? Dưới kia những khóm nứa bị chặt nhọn lởm chởm nguy hiểm lắm, đừng chạy, đi từ từ thôi”.
Công việc vẽ chân dung Bác được họa sĩ An thực hiện một cách cơ động. Bác bảo: “An ở đây với mình bao lâu tùy An, mình làm việc khi ở chỗ này, khi chỗ kia”. Lúc Bác ra hòn đá ngồi, lúc Bác mang báo ra đọc, lúc Bác lại lên gác đánh máy, lúc tiếp khách tại vườn... “Để vẽ được người cử động thì phải vẽ rất nhanh, những bức chân dung về Bác hầu hết tôi phải vẽ rất nhanh, nhưng không phải lúc nào cũng hoàn thành. Trừ những bức vẽ chưa thành, trong 3 tuần ở cùng Bác nhiều tôi vẽ thành công được hơn 20 bức” - họa sĩ An cho biết.
Trước khi họa sĩ An ra về, Bác bảo đem căng tất cả những bức vẽ ra treo lên tấm và mời tất cả anh chị em cơ quan đến xem cùng. Bác muốn anh em cơ quan được tiếp xúc với hội họa, biết thêm giá trị lao động nghệ thuật, họa sĩ thì được khích lệ, qua những lời phẩm bình của người xem tranh mà rút được kinh nghiệm.
Khi mọi người đang xem, chưa có ý kiến gì chợt Bác chỉ vào một bức có nét vẽ mộc mạc nhất, rồi bảo: Nếu đăng báo thì An lấy bức này vì nó đơn giản và có tinh thần. “Đó là bức tôi vẽ trong thời gian hơn 1 phút. Cụ nhìn tranh sành lắm” - họa sĩ An nhớ lại.
Trước khi chia tay Bác Hồ, họa sĩ An còn có kỷ niệm khác, đó là chuyện về những điếu thuốc lá. Lần đó, họa sĩ được Bác mời hút một điếu thuốc, nhưng ông đang bận vẽ chân dung Bác nên cho vào túi.
“Tôi đã nhiều lần nhận thuốc nhưng không hút không ngờ hành động đó của mình cũng được Bác chú ý. Bất ngờ Bác hỏi An tích trữ được bao nhiêu điếu rồi. Tôi nói, thưa Cụ ở cơ quan có nhiều đồng chí chưa bao giờ được gặp Cụ, nên cháu muốn đem số thuốc lá của Cụ cho để biếu anh em khi trở về. Bác liền hỏi cơ quan có bao nhiêu người tất cả, tôi nhẩm tính bảo có 30 người. Bác hỏi tiếp, thế An tích trữ được bao nhiêu điếu? Tôi nhẩm tính tiếp và bảo thưa Cụ được 13 điếu. Bác liền lấy hộp thuốc ra đếm đúng 17 điếu đưa tôi. Rồi Bác bảo An đem về đưa cho anh em nhé, còn điếu mình vừa mời An hút đi” - lão họa sĩ nhớ lại.
Họa sĩ Phan Kế An (SN 1923) tại Sơn Tây, Hà Nội là con của quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại của Chính phủ Trần Trọng Kim (sau Cách mạng tháng Tám 1945, Phan Kế Toại giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông An là một chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.