Cáng người già trong bão
Người dân huyện Hải Lăng sẽ khó quên hình ảnh Bộ đội Đồn Biên phòng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) tận tình cáng cụ ông Phan Chăn (86 tuổi) đi trú bão.
Bộ đội Đồn Biên phòng Mỹ Thủy đưa ông Phan Chăn về đồn trú bão.
Cụ bà Hoàng Thị Ngoa (82 tuổi, ở thôn Mỹ Thủy) – vợ cụ Chăn, kể: “Con cái tui lấy vợ, cưới chồng ở xa, ông nhà tôi lại bị liệt 2 chân, chỉ nằm một chỗ nên không ai giúp tui chằng chống nhà cửa. Sáng 9.11, nghe tin bão to sắp vô, bà con ai cũng thu xếp, chằng chống nhà cửa, riêng vợ chồng già nhà tui chả biết làm sao, đi còn không vững nói chi đến chuyện trèo lên chằng chống nhà cửa. Nghĩ quẩn, bão vô thì chắc không còn nhà để mà nương thân... May lúc đó, có mấy chú bộ đội tới giúp cáng đi”.
Anh Trần Ngọc Hà - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Thủy chia sẻ: “Trong khi di dời, có nhiều cụ già đau yếu như cụ Chăn, các bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ… đều được bộ đội cõng hoặc cáng đi. Chúng tôi quyết tâm không để một người dân nào gặp nguy hiểm nếu bão đổ bộ”.
Chỉ trong buổi chiều 9.11, Bộ đội Đồn Biên phòng Mỹ Thủy đã đưa 206 hộ dân về đồn trú bão, mọi công tác chuẩn bị về lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men… đều được chuẩn bị từ trước. Đồn còn tăng cường công tác hậu cần để đảm bảo phục vụ cơm nước, chăm sóc sức khỏe cho bà con.
Bà Võ Thị Mót (63 tuổi) - hàng xóm ông Chăn, cảm kích: “Các chú bộ đội thương dân lắm, không chỉ cơn bão này mà nhiều cơn bão trước, các chú đều cùng nhau chằng lại nhà cửa cho bà con chúng tôi. Lên Đồn Biên phòng trú ẩn, tôi được các chú cung cấp đồ ăn, chăm lo sức khỏe, hỏi thăm từng miếng ăn giấc ngủ, còn được xem tivi cập nhật tin bão”.
Nấu cơm cho dân ănCòn tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), trong ngày 9.11, 118 hộ dân trên đảo được bộ đội đưa vào địa đạo quân sự để trú bão. Người dân trú ẩn trong địa đạo được bộ đội huyện đảo Cồn Cỏ nấu cơm, mì tôm cho ăn và chăm sóc sức khỏe tốt.
"Tội nghiệp mấy chú bộ đội suốt đêm canh giấc ngủ cho chúng tôi. Tôi không đi lại được nên việc tiểu tiện cũng phải nhờ các chú cõng đi”. Ông Võ Bé (83 tuổi) ở thôn Mỹ Thủy
|
Ông Trương Khắc Trưởng - Phó ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: “118 hộ dân với vài trăm khẩu đi sơ tán trong 1 ngày, tinh thần hoảng hốt do biết thông tin về siêu bão. Tuy nhiên, khi trú tại địa đạo quân sự, được lo đủ cơm ăn, nước uống nên bà con rất yên tâm”.
Sau khi biết siêu bão Haiyan đổi hướng, người dân trú trong địa đạo đã bật khóc vì vui mừng. Nhưng chính quyền và bộ đội vẫn rất cảnh giác trước các hiện tượng như lốc xoáy sau bão. Vì vậy, rất nhiều người dân, đặc biệt là các cụ già và em nhỏ vẫn được ở lại những nơi sơ tán cho tới khi bão tan.
Ông Trưởng bày tỏ, chỉ trong 2 tháng, Quảng Trị đã bị 3 cơn bão số 10, 11 và số 14 đi qua. Cái cảm giác nơm nớp lo sợ, ngóng tin bão từng phút, từng giờ không dễ chịu chút nào. Hình ảnh những chiến sĩ bộ đội từng ngày, từng giờ, động viên, san sẽ từng nửa gói mì tôm, mỗi tấm áo để bà con thêm nghị lực vượt qua phút giây sinh tử trở nên quen thuộc và ấm lòng với bao người.
Ngọc Vũ (Ngọc Vũ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.