Ấn Độ: Độc đáo với "đền thờ visa" người dân tới chỉ xin duy nhất một điều này

Thứ năm, ngày 23/02/2023 16:12 PM (GMT+7)
Mỗi năm, ước tính hàng trăm nghìn người dân Ấn Độ lại lui tới những nơi được mệnh danh là "đền thờ visa" để cầu khấn xin thị thực xuất ngoại thành công.
Bình luận 0

Anh Viswanathan, một chuyên gia công nghệ thông tin, đứng bên đường chắp hai tay cầu nguyện, mắt hướng về phía tượng Thần Ganesh, cầu khấn cuộc phỏng vấn xin visa sang Mỹ thành công.

Bên cạnh anh Viswanathan, hơn 10 tín đồ đạo Hindu khác cũng đang đứng vái vọng bên ngoài ngôi đền. Họ đều tới đây cùng chung một mục đích - cầu nguyện cho cuộc phỏng vấn xin thị thực diễn ra suôn sẻ.

Ngôi đền có kích thước chỉ lớn bằng chiếc tủ quần áo nhỏ, thờ tượng Thần Ganesh, tọa lạc ở thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Diện tích khiêm tốn này chỉ vừa đủ cho một vị thầy tu đứng thực hiện nghi lễ.

Ấn Độ: Độc đáo với "đền thờ visa" người dân tới chỉ xin duy nhất một điều này - Ảnh 1.

Vị thầy tu hành lễ trong đền (Ảnh: News).

Ấn Độ: Độc đáo với đền thờ, người dân tới chỉ xin được xuất ngoại

"Tôi đến đây để cầu nguyện xin visa xuất ngoại. 10 năm trước, anh trai tôi cũng tới đây kêu cầu và xin visa sang Anh thành công. Còn vợ tôi 2 năm trước xin visa tới Mỹ cũng suôn sẻ. Bởi vậy tôi có niềm tin", anh Viswanathan tâm sự.

Trên khắp Ấn Độ, những "ngôi đền visa" không hiếm gặp. Một ngôi đền khác là Sri Lakshmi Visa Ganapathy thờ thần Ganesh nằm ở thành phố Chennai thuộc phía đông nam nước này, cũng rất nổi tiếng. Nằm cách sân bay Chennai không xa, suốt một thập kỷ qua, nhiều tín đồ ghé nơi này để xin visa sang Mỹ.

Tại ngôi đền thờ Thần Ganesh, một số tín đồ đã chia sẻ cho nhau chuyện xin visa thành công ra sao. Jyothi Bontha là một trong số đó. Cô cho biết, cuộc phỏng vấn xin thị thực của mình diễn ra tại Lãnh sự quán Mỹ ở Chennai rất suôn sẻ nên muốn quay lại để tạ lễ.

"Họ hầu như chỉ hỏi tôi vài câu đơn giản. Tôi rất ngạc nhiên", cô Bontha nói.

Ấn Độ: Độc đáo với "đền thờ visa" người dân tới chỉ xin duy nhất một điều này - Ảnh 2.

Các tín đồ tới cầu nguyện (Ảnh: Times).

Bạn của Bontha là Phani Veeranki, đứng gần đó, lo lắng nắm chặt chiếc phong bì đựng đơn xin thị thực và các tài liệu kèm theo. Cả hai hiện là sinh viên ngành khoa học máy tính, dự kiến sang Ohio (Mỹ) du học. Họ biết về "ngôi đền visa" thông qua một nền tảng truyền thông xã hội.

Veeranki đưa phong bì chứa tài liệu cho vị thầy tu ở đền để đặt dưới chân tượng Thần, với mong muốn được ban phước lành.

"Tôi nghe kể nhiều về những đơn đăng ký đi du học bị từ chối nên rất hy vọng mình được chấp thuận", cô nói.

Ấn Độ: Độc đáo với "đền thờ visa" người dân tới chỉ xin duy nhất một điều này - Ảnh 3.

Nhiều người tới xin với mục đích muốn đi du lịch, du học, làm việc (Ảnh: News).

Những điểm tâm linh thế này đã tồn tại ở Ấn Độ suốt thời gian dài, thường được gọi với cái tên "Hawaijahaj" có nghĩa là máy bay. Hàng chục cửa hàng bán mô hình xung quanh các ngôi đền là một minh chứng cho niềm tin của những tín đồ tìm đến đây. Người dân tin rằng, nếu dâng các vật phẩm làm lễ, khả năng trúng visa để đi nước ngoài của mình sẽ thành hiện thực.

Tương tự, đền Chilkur Balaji, nằm bên bờ hồ Osman Sagar ở thành phố Hyderabad, miền nam nước này, có tên gọi khác là "đền visa Balaji". Hầu như nơi này thu hút rất đông người dân có nhu cầu xin thị thực Mỹ tới cầu nguyện.

Ngôi đền trở nên nổi tiếng từ những năm 1980 của thế kỷ trước, khi thông tin về chuyện một nhóm kỹ sư Ấn Độ xin visa sang Mỹ thành công nhờ ghé thăm địa điểm này. Từ đó, thông tin lan truyền rộng rãi, được nhiều người ghé thăm.

Các tín đồ cho biết, họ sẽ làm theo hướng dẫn từ các thầy tu. Thậm chí có người mang theo cả hộ chiếu với mong muốn được ban phước lành. Lời khấn được tụng cả bằng tiếng Anh và tiếng Hindu.

Đền thờ "Thần visa" - Nơi người dân tới cầu khấn để xin xuất ngoại

Những điểm tâm linh thế này đã tồn tại ở Ấn Độ suốt thời gian dài, thường được gọi với cái tên "Hawaijahaj" có nghĩa là máy bay. Hàng chục cửa hàng bán mô hình xung quanh các ngôi đền là một minh chứng cho niềm tin của những tín đồ tìm đến đây. Người dân tin rằng, nếu dâng các vật phẩm làm lễ, khả năng trúng visa để đi nước ngoài của mình sẽ thành hiện thực.

Trở lại với câu chuyện của anh Viswanathan, cuộc phỏng vấn xin visa sang Mỹ của người đàn ông này đã thành công. Sau đó, anh trở lại đền để thăm viếng một lần nữa.

"Tất cả là đức tin. Nếu chúng ta có lòng tin, mọi chuyện sẽ ổn cả", anh bộc bạch.


Huy Hoàng (báo Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem