Trồng thứ cây ra quả gọi là củ, nông dân An Giang liên tục trúng mùa trúng giá
An Giang: Bơm cát vô ruộng trồng thứ cây "quả biến thành củ", nhổ lên từng chùm, dân kêu trúng mùa trúng giá
Thứ sáu, ngày 21/05/2021 05:50 AM (GMT+7)
Tìm cây trồng mới để thay thế cây lúa kém hiệu quả, hộ bà Lê Thị Hẹn (ngụ xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã thành công với mô hình trồng đậu phộng. Đến nay, gia đình bà Hẹn đã duy trì mô hình trồng đậu phộng được 5 năm.
Nhờ cải tạo đất ruộng thành đất cát phù hợp để cây đậu sinh trưởng và chịu khó học hỏi kỹ thuật, mô hình trồng đậu phộng mang lại thu nhập khá cho gia đình bà Hẹn.
Đồng thời mô hình trồng đậu phộng của gia đình bà Hẹn còn giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn.
Giữa vùng trồng nếp ở ấp Phú Hòa A, dễ nhận ra ruộng đậu phộng của bà Hẹn, bởi “địa phận” được bao quanh bằng những tấm tole.
Bà Hẹn cho biết, do đậu phộng rất thu hút chuột nên phải dựng rào ngăn, hạn chế chúng cắn phá. Vụ đông xuân năm nay gia đình bà thu hoạch đậu phộng lời từ 9-10 triệu đồng/công, cao nhất trong các năm qua.
Bà Hẹn thông tin: “Tôi quê ở xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh AN Giang). Bà con ở đó lựa chọn đậu phộng là cây trồng chủ lực, đời sống kinh tế thu lợi từ cây đâu phộng khấm khá. Nhiều năm làm lúa thấy năng suất ngày càng giảm, con trai tôi về quê tìm hiểu và mua hạt giống đậu phộng để mang về đây trồng thử...".
Qua vài vụ sản xuất, theo dõi thấy năng suất đậu phộng và lợi nhuận tương đối “êm”, gia đình bà Hẹn mạnh dạn chuyển toàn bộ 8 công đất trồng lúa sang trồng cây đậu phộng.
Hiệu quả kinh tế từ trồng đậu phộng khá hấp dẫn nhưng khởi đầu thực hiện mô hình của bà Hẹn không dễ.
Đặc điểm cây đậu phộng sinh trưởng trên đất cát, nên để chuyển đổi mô hình, gia đình tốn chi phí bơm cát vào ruộng khoảng 100 triệu đồng.
Sau 2 - 3 năm, cát bị “dậy đất”, phải bơm thêm một lớp cát mới để cây đậu phộng phát triển bình thường.
Bà con dày dặn kinh nghiệm ở quê luôn nhiệt tình hướng dẫn bà Hẹn trong suốt những vụ đầu, từ cách bón phân, xuống giống, theo dõi cây phát triển và xử lý bệnh thường gặp.
“Ngoài chi phí ban đầu thì đầu tư giống khá nặng, mỗi vụ tốn hơn 20 triệu đồng, “trúng mùa” liên tục thì lấy lại vốn rất nhanh. Như vụ đông xuân này hiệu quả khá, 1 công được hơn 10 triệu đồng, sang vụ hè thu tuy không thuận mùa nhưng vẫn có lời từ 3-4 triệu đồng” - bà Hẹn chia sẻ.
Đậu phộng là cây trồng ngắn ngày, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 90 ngày, có thể trồng 3 vụ/năm. Trung bình mỗi công đất xuống giống từ 30-50kg hạt.
Theo bà Hẹn, đậu phộng là loại cây dễ trồng, chỉ cần chăm sóc giai đoạn bỏ hạt đến giai đoạn đâm đọt là đậu phát triển tốt. Tuy nhiên, trong quá trình trồng cần phải thăm đất thường xuyên để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh, như: sâu cuốn lá, bệnh vàng lá, phèn hạt, đốm đen trên lá và củ…
Đặc biệt vào mùa mưa, nếu lượng mưa nhiều thì tim của cây bị “vuột”, không có củ. Như vụ hè thu năm ngoái, gia đình đã phải chịu lỗ hơn 40 triệu đồng do mưa kéo dài, ruộng đậu thoát nước không kịp.
Qua 5 năm gắn bó với mô hình, dù có lúc khó khăn, bà Hẹn vẫn rất tâm đắc về hiệu quả cây đậu phộng mang lại và quyết tâm duy trì trong thời gian tới.
Nhằm hạn chế tình trạng cây trồng trên đất lâu năm bị xuất hiện bệnh đốm đen ở củ, khó bán cho thương lái, bà Hẹn thử nghiệm trồng xen vào một vụ mè hoặc cây trồng ngắn ngày khác.
Việc làm này đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bởi trồng đậu phộng liên tiếp qua nhiều mùa trên cùng một mảnh đất sẽ làm giảm năng suất, các nấm bệnh lưu tồn trong đất qua nhiều vụ sẽ gây thiệt hại lớn.
Không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình bà Lê Thị Hẹn, cây đậu phộng còn giúp cho một số hộ chăn nuôi dê trên địa bàn ấp có thêm nguồn thu nhập và nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi. Mỗi vụ thu hoạch, phụ nữ tận dụng lúc nông nhàn đến lặt đậu, được trả công 14.000 đồng/thúng, tùy theo năng suất mỗi người có thể kiếm thêm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Mô hình trồng đậu phộng trên đất lúa của hộ bà Lê Thị Hẹn là một trong những mô hình chuyển đổi được địa phương đánh giá đạt hiệu quả, phù hợp với hướng đi được khuyến khích theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Huyện ủy Phú Tân (tỉnh An Giang) và Nghị quyết số 57 của Đảng ủy xã Phú Lâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.