Mê vẻ đẹp của mai vàng từ lâu, anh Lê Ngọc Sơn (ngụ ấp Thượng 2, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trổ tài chăm sóc mai cho vài người quen. Những lời khen ngợi truyền nhau giúp khách hàng của anh ngày càng đông đảo.
Hiện tại, anh Sơn sở hữu 3 vườn với gần 1.000 cây mai. Sau vài ngày trưng Tết, mai đã được tập kết kín vườn, đến 25 tháng Chạp trả về với chủ. Suốt thời gian gửi, anh Sơn ra công thay đất, tạo dáng, bón phân, tưới nước...
Nghe thì đơn giản, nhưng so với một số cây kiểng khác, để chăm loại hoa Tết đặc trưng này vất vả hơn rất nhiều. Với những khách hàng mới, anh Sơn thường lo ngại cây được bón phân, xịt thuốc dưỡng quá mức, nếu không biết mà chăm sóc theo cách thông thường thì cây có thể chết.
Những trường hợp này, phải rửa sạch bộ rễ và khử phân thuốc, nuôi lại từ đầu cho cây ra lá, cành mới tiến hành sửa dáng theo ý muốn. Giá mỗi cây mai nhận nuôi trong năm dao động từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, chủ yếu là những hộ thích chơi mai nhưng không nhiều kinh nghiệm, thiếu không gian hoặc các cơ quan, đơn vị sử dụng làm đẹp trụ sở.
Một trong những điều khách hàng ưng ý khi gửi mai đến chỗ anh Sơn là giữ lại dáng vẻ tự nhiên của cây, hạn chế bẻ sửa bằng dây kẽm lên các cành. Anh Sơn luôn chủ động tư vấn cho khách từ đầu và chỉ ra thế đẹp sau khi chăm sóc.
“Việc khó nhất là canh thời tiết để mai trổ hoa đúng hẹn, từ 25 tháng Chạp là cây phải ra búp xanh, đến ngày 30 hoa bắt đầu nở đẹp. Đạt được yêu cầu này, phải tưới nước thường xuyên và điều độ, phân bón chỉ 1 lần/tháng. Từ tháng 10 (âm lịch) ngưng hẳn việc bón phân, chỉ trừ sâu bệnh, giữ lá xanh tốt để nuôi cây” - anh Sơn chia sẻ.
Trong vườn của anh Sơn, ngoài những giống phổ biến như: mai Thủ Đức, giảo Tân Châu, mai xù, mai lá quắn… còn có loại mai 24 cánh đột biến do dân yêu thích ở huyện tự nhân giống và chia với nhau. Sống với nghề bằng niềm đam mê, anh Sơn sở hữu một số cây đặc biệt dành đem trưng bày tại chợ Tao Đàn và bán ở chợ hoa Phú Quốc hàng năm.
Cùng xóm và là bạn nghề với anh Sơn, 10 năm nay, ông Lê Văn Minh tự tin với tay nghề dưỡng mai cho khách hàng gần xa. Khu vườn của ông đang có hơn 700 chậu mai các loại, giá chăm sóc bình quân 500.000 đồng/cây/năm.
Ông Minh cho hay: “Năm nay thời tiết thất thường, nắng gắt và mưa nhiều khiến mai đồng loạt trổ sớm một đợt, phải lặt bỏ để tiếp tục dưỡng cây. Từ ngày 23-12 (âm lịch) là khách đến nhận mai lai rai. Lúc này, cây phải đảm bảo ra nụ đều, sai”.
Năm 20 tuổi, ông Minh đã tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc mai vàng. Phát triển nghề nhận dưỡng mai, ông tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc mai kiểng. Theo kinh nghiệm của ông, việc cắt tỉa mai tương tự nhau, duy có thời điểm thay đất và bón phân cho cây thì phụ thuộc vào kinh nghiệm riêng của mỗi người, quan trọng là chăm sóc cho bộ rễ khỏe để nuôi cây có nhiều hoa và màu vàng đẹp mắt.
Đối với ông Minh, nghề chăm cây cũng như… chăm con, rất khó khăn, tuy không mấy vất vả nhưng coi sóc không thiếu ngày nào. Đời sống phát triển, nhiều hộ có xu hướng chọn mua những cây mai có giá trị cao nên muốn gửi nuôi để giữ lại dáng cây, sống lâu hoặc mỗi năm thêm chỉn chu ngoại hình.
Thời điểm này, những chậu mai đã xem như hoàn thiện về dáng vóc, bộ lá, chỉ đợi ngày lẩy lá giao cho khách. Một cây mai nở rực vào năm mới sẽ đem đến may mắn và niềm vui cho mọi người, nên những người thợ càng được tin tưởng sẽ góp nên nét xuân hoàn hảo qua bàn tay và kinh nghiệm của mình |
Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.