An Giang: Nghề mưu sinh "ăn theo" con nước, mang lại bao sản vật đặc sản có một không hai

Thứ sáu, ngày 21/10/2022 19:04 PM (GMT+7)
Mùa nước nổi, vùng đầu nguồn An Phú, Tân Châu (tỉnh An Giang) có rất nhiều nghề mưu sinh “ăn theo” con nước. Không chỉ mang lại thu nhập cho cư dân vùng lũ, mùa nước nổi còn là thú vui cho người yêu thiên nhiên, thích trở về với “hương đồng, gió nội”, được đắm mình trong không gian mênh mông sông nước, được thả lưới, giăng câu.
Bình luận 0


An Giang: Nghề mưu sinh "ăn theo" con nước, mang lại bao sản vật đặc sản có một không hai - Ảnh 1.

Không chỉ mang lại thu nhập cho cư dân vùng lũ, mùa nước nổi còn là thú vui cho người yêu thiên nhiên, thích trở về với “hương đồng, gió nội”, được đắm mình trong không gian mênh mông sông nước, được thả lưới, giăng câu.

Thú vị mùa lũ - mùa nước nổi

4 giờ sáng. Trời tạnh ráo. Chúng tôi theo chân anh Kiệt (xã Nhơn Hội, huyện An Phú) ra đồng chuẩn bị mẻ lưới đầu tiên trong ngày. Tiếng máy chạy từ từ đưa xuồng rời bến, tạo thanh âm vang vang trên khúc sông quê. Ở vùng đầu nguồn mùa này, hầu như ai cũng thức sớm để ra đồng thả câu, giăng lưới, đặt dớn, đặt lọp... “Mùa lũ kéo dài khoảng 2-3 tháng. Nhưng lâu rồi mới có lũ lớn. Mình phải tranh thủ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống” - anh Kiệt chia sẻ.

Năm nay lũ về nhiều, nước “bơm” đầy các cánh đồng biên giới. Tại huyện đầu nguồn biên giới An Phú, khu vực Kênh Bảy Xã và các xã: Khánh An, Long Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu, Vĩnh Hậu… là nơi đầu tiên đón những dòng nước lũ đầy ắp phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Khi nước “nhảy” khỏi bờ cũng là lúc người dân sống bằng nghề “bà cậu” tất bật khai thác bằng nhiều ngư cụ, như: Giăng lưới, thả câu, đặt lờ, lọp, dớn (đánh bắt theo quy định về kích cỡ mắc lưới)… trên những cánh đồng biên giới mênh mông nước.

Trên quãng đồng ở vùng đầu nguồn An Phú mùa này, nhiều nơi ngập sâu khoảng 3m. “Cá linh bây giờ lớn rồi. Giờ giăng lưới cũng bắt được nhiều loại cá, như: Cá he, cá chạch, cá rô, cá trê, cá linh… Con cá cũng lớn hơn trước. Giăng xong lưới này rồi mình giăng tiếp lưới khác” - anh Kiệt vừa nói vừa luôn tay thả lưới. Khoảng hơn 1 giờ sau thì quay lại thăm lưới. Anh Kiệt nhanh tay gỡ những con cá mắc lưới quẫy mạnh dưới làn nước mát. Mỗi lưới dài khoảng 200m bắt chừng 2-3kg cá đồng, thành quả này xem như bội thu.

Trên đồng nước lũ, chúng tôi còn bắt gặp nhiều người đi thăm dớn vào sáng sớm. Những hàng cọc dớn bình thường cao hơn đầu người, nay chỉ cao hơn mặt nước chừng 40-50cm. “Vài bữa tới, con nước có nhiều cá là 1 giờ khuya phải đi đổ dớn. Giờ cá ít nên 4-5 giờ sáng mới đi thăm. Mỗi ngày, chỉ thăm dớn một cữ để kịp đem ra chợ bán”- chị Lệ (xã Nhơn Hội) chia sẻ. Mỗi mẻ dớn thu hoạch được từ 1-2kg cá, tôm, cua đồng. Đứa cháu ngoại vừa chạy xuồng, vừa đổ dớn; còn chị Lệ thì cẩn thận lựa từng loại cá, tôm, cua, ốc… cho vào từng thùng riêng. “Cá, cua giờ này rẻ hơn so với trước. Cố gắng đặt 30 cái dớn mỗi ngày cũng có thêm thu nhập cho gia đình” - chị Lệ nói.

Ngược qua đồng Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Vĩnh Hậu ở phía bờ Đông sông Hậu, nước ngập trắng xóa tạo khung cảnh mênh mông rất đẹp mắt và thú vị. Đứng trên đê bao kiểm soát lũ, phóng tầm mắt xa xa là nhiều mô hình sinh kế của người dân đang triển khai. Bên dưới ruộng, cá rô đồng, cá linh "chạy" thành đàn. Trên đồng, nhiều chiếc xuồng của ngư dân thả câu, giăng lưới. “Lâu rồi mới đón một mùa như vậy. Lũ là dịp để người dân sống nghề “bà cậu” được làm ăn, đánh bắt kiếm tiền mưu sinh”- ông Nguyễn Văn Thi (xã Vĩnh Hậu) nói.

Hấp dẫn chợ cá đồng mùa nước nổi

Cùng với chợ “âm phủ” nằm cặp chân cầu Tha La (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) khá nổi tiếng do được truyền thông thường nhắc tới, thì trên những khúc sông ở vùng đầu nguồn mùa này còn xuất hiện nhiều điểm thu mua, được ví như chợ cá đồng mùa lũ. Trong đó, chợ cá trên Kênh Ruột gần cầu số 13 (xã Nhơn Hội, huyện An Phú) là một trong những nơi khá sôi động. Ngư dân tấp nập đưa xuồng cặp bến chợ mang cá lên bán, còn thương lái trả giá để mua cá của ngư dân. Chợ họp khá nhanh, tầm 2 giờ thì tan phiên chợ, mỗi người dong xuồng ghe đi một hướng, sáng hôm sau bắt đầu phiên chợ mới.

“Mùa này đang vào chính vụ đánh bắt, kéo dài tới khi nước rút. Ngày nào mình cũng ra đồng. Nghề sông nước mà! Năm nào lũ lớn là mừng lắm. Đầu mùa, cá có giá cao, rồi giảm từ từ. Cá linh bây giờ còn khoảng 30.000 đồng/kg, tới cuối mùa gía còn thấp hơn; cá linh làm cá mồi (thức ăn nuôi lươn, cua đồng…) hoặc bán nấu nước mắm còn rẻ hơn. Cá rẻ nhưng nhờ có cá nhiều cũng đỡ”- anh Võ Văn Kiếm nói.

Ngoài cá linh, cá đồng, tôm… mùa lũ còn có các loại sản vật, như: Ốc đồng, cua đồng, lươn, rắn… Tuy nhiên, lượng ốc đồng, cua đồng, lươn, rắn… ngày càng ít dần trong tự nhiên. “Khoảng 15 năm trước, cua đồng, ốc đồng rất nhiều. Ở bến này như chợ nổi thu mua ốc. Còn giờ người ta mần lúa, ốc rất ít, mỗi ngày mua chừng hơn 1 tấn ốc là nhiều” - ông Trần Anh Tuấn (chủ vựa ốc ở xã Nhơn Hội) cho biết.

Mùa lũ, nơi ngã ba sông hay trên các trục đường, dễ dàng bắt gặp cảnh bày bán những sản vật mùa nước nổi, như: Cá, tôm, cua, ốc… và các loại rau đồng, như: Bông điên điển, bông súng… Những con cá được đựng trong chậu còn tươi sống, quẫy mạnh làm nước văng tung tóe. Những con tôm búng nước lách tách… Người ta tranh nhau mua cá, mua rau, tiếng mặc cả, trả giá đông vui cả khu chợ quê…

Theo đánh giá của nhiều ngư dân, năm nay nước ngập các cánh đồng nên cá, tôm di chuyển khắp nơi, vì thế sản lượng khai thác không nhiều. Mặc dù sản vật mùa lũ ít, nhưng cũng đủ để ngư dân đầu nguồn làm ăn sinh kế, kiếm thêm thu nhập. Mùa lũ còn là nét đẹp đặc trưng của người miền Tây…

Hữu Huynh (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem