Do mực nước lũ lên nhanh và cao, nhằm chủ động trong việc bảo vệ sản xuất vụ hè thu, thu đông năm 2018 và đảo bảo an toàn cho đập Tha La và đập Trà Sư (huyện Tịnh Biên; đây công trình đập bằng cao su đầu tiên ở Việt Nam), tỉnh An Giang quyết định sẽ xả 2 đập này vào ngày mai (31.8) thay vì là ngày 3.9 như dự kiến trước đó.
Đập Trà Sư thời điểm xả lũ. (Ảnh: Internet)
Theo dự báo, nếu xả 2 đập trên, lượng nước lũ sẽ chảy tràn về nhiều vùng sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái ở TP.Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Trước tình hình trên, nhằm hạn chế đến mức thiệt hại có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ có thông báo đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, sẵn sàng các phương án (bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị...) ứng phó đối với trường hợp ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao gây ngập trên diện rộng.
Hiện TP.Cần Thơ có 2.000 ha lúa Thu Đông ở khu vực đê bao thấp thuộc huyện Vĩnh Thạnh đang bị nước lũ uy hiếp. Số diện tích này phải đến giữa tháng 8 âm lịch mới có thể thu hoạch. Vì vậy, để bảo vệ lúa, huyện Vĩnh Thạnh phải huy động 10 phương tiện cơ giới túc trực tại các cánh đồng để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố bất thường.
Cũng liên quan đến việc xả đập trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn ký công văn gửi hoả tốc đến các địa phương có thể bị ảnh hưởng do nước lũ tràn về đề nghị hướng dẫn nhân dân có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo thông báo này, nước lũ đã tràn qua 2 đập Tha La và Trà Sư và có xu hướng tiếp tục lên cao. Dự kiến, sau khi xả đập 3 ngày, mực nước ở hạ lưu đập Tha La và Trà Sư tăng từ 50-110 cm. Đến ngày 10.9, dự báo sẽ xuất hiện đợt triều cường dâng nên mực nước đầu nguồn có khả năng lên nhanh.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này, có 312,7ha lúa hè thu ở huyện Giang Thành bị ngập úng do lũ sớm, trong đó có 258ha bị thiệt hại trên 70%. Đây là diện tích sản xuất nằm ngoài đê bao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.