Hòa Bình phấn đấu 100% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc
Hòa Bình phấn đấu 100% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc
Linh Thu
Thứ bảy, ngày 23/11/2024 05:43 AM (GMT+7)
Theo kế hoạch phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030, có 100% diện tích cây chè được quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu nhập khẩu
Hòa Bình phấn đấu 100% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng
Thực hiện Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2024 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024-2030, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương từng bước rà soát diện tích, triển khai đồng bộ các giải pháp. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh ổn định diện tích vùng trồng chè khoảng 1.200 ha.
Xã Pà Cò, huyện Mai Châu hiện có trên 80ha trồng chè cho thu hái hàng năm. Ông Vàng A Chà - Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò, cho biết, hiện trạng phát triển cây chè trên địa bàn xã còn một số tồn tại, trong đó, đối với những cây chè cổ thụ, vẫn có hộ tự ý bán giống cây cho khách du lịch; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách cũng làm số ít cây chè cổ thụ bị chết…
Thời gian qua, xã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo các hộ không bán bất kỳ cây chè cổ thụ nào trên địa bàn để bảo tồn nguồn giống và diện tích. Xã cũng mong muốn các doanh nghiệp thu mua, đơn vị chuyên môn tích cực hướng dẫn các hộ trồng chè trên địa bàn về kỹ thuật, tiêu chuẩn để quá trình sản xuất đảm bảo được chất lượng cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm chè khi thu hoạch. Bên cạnh đó, mong được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành chuyên môn đối với xã để từng bước mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu cho cây chè ở Pà Cò.
Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có trên 870ha trồng chè, trong đó 6 huyện có vùng sản xuất chè tập trung với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, lịch sử và các giống chè đặc trưng gồm: Yên Thủy, Lạc Thủy, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn.
Đầu tháng 11 này, ngành nông nghiệp đã triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ ổn định diện tích chè toàn tỉnh đạt khoảng 1.200 ha; sản lượng đạt 13,8 nghìn tấn; 80% sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết, đảm bảo truy xuất, an toàn thực phẩm, GAP, IPHM; các sản phẩm trà chế biến sâu chiếm 20%; 100% diện tích được quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu nhập khẩu; có 5 sản phẩm chế biến, 3 sản phẩm phi vật thể; 1 bộ tiêu chuẩn một số sản phẩm chè Hòa Bình.
Tỉnh cũng có định hướng về quy mô vùng trồng cũng như việc chế biến, đa dạng sản phẩm. Đối với vùng nguyên liệu chè Shan tuyết, huyện Mai Châu được quy hoạch diện tích vùng trồng từ 200 - 250 ha; huyện Đà Bắc khoảng 100 ha; Tân Lạc 50 ha.
Vùng nguyên liệu chè xanh tại địa bàn huyện Yên Thủy và Lạc Thủy được quy hoạch từ 400 - 500 ha; vùng thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn từ 250 - 300 ha. Trong chế biến, đa dạng sản phẩm, các địa phương cần tập trung xây dựng điểm sơ chế chè với công suất phù hợp cho từng vùng nguyên liệu; cải thiện, nâng cấp dây chuyền, công nghệ chế biến; đồng thời, bảo tồn, phát huy xưởng chè thủ công gắn với văn hóa bản địa và sản phẩm đặc sản.
Tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp
Để có thể đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đã triển khai đến các đơn vị chuyên môn, các địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt cho người dân, hộ, hợp tác xã sản xuất. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (VietGAP, GAP khác, hữu cơ…) nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chè nguyên liệu và sản phẩm sau chế biến.
Áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chè; phục tráng, lưu giữ nguồn gen giống chè bản địa, giống chè mới năng suất; áp dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu.
Chú trọng xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chè, sản phẩm OCOP; tận dụng lợi thế của thương mại điện tử. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, an toàn thực phẩm bền vững trong sản xuất. Đầu tư tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Tăng cường quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Theo ông Bùi Duy Linh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, việc phát triển các vùng nguyên liệu chè tập trung nhằm nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.
Từ đó, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với 9 nhiệm vụ trọng tâm và dự án được ưu tiên thực hiện, các đơn vị, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để tập trung triển khai, đảm bảo hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.