Ăn hớt của nhà nông

Thứ ba, ngày 09/04/2013 13:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - OXFAM - tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên chăm lo chống nghèo đói và bất công ở nông thôn và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Ipsard) vừa công bố số liệu khiến những người thật sự quan tâm đến phát triển nông thôn giật mình lo lắng.
Bình luận 0

Đó là chỉ trong vòng 6 năm nay (2006 -2012), lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo của nông dân ta đã giảm từ 70% tổng thu nhập xuống chỉ còn 10%!

Để bù vào số lợi nhuận hụt đi do lúa gạo, nông dân phải tìm bằng được những nguồn thu mới. Nhưng số lượng gạo xuất khẩu đã vẫn từ 5 lên 7 triệu tấn, giá gạo cũng tăng, vậy mà tỷ trọng lợi nhuận từ lúa gạo của nông dân thì tụt xuống 7 lần. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Lúa gạo đang làm lợi cho ai? Làm giàu cho ai?

Liệu an ninh lương thực có còn được bảo đảm nếu người “lính” giữ cái an ninh quan trọng bậc nhất ấy, lực lượng phải đồ mồ hôi sôi nước mắt làm ra lúa gạo - là nông dân, chẳng những không được hưởng giá trị gia tăng do sản phẩm mình làm ra mà còn bị hụt, phải “chạy chợ” hay trồng cây khác, nuôi con khác để bù vào mới đủ sống.

Cây lúa đang bị cạnh tranh, dồn ép bởi các cây, con khác như cây ăn quả, cây công nghiệp (khoai lang, khoai mì, ca cao...), bởi các con đưa lại lợi nhuận cao hơn như cá, lợn, bò sữa, heo hay gà công nghiệp. Nông dân ta không muốn bỏ cây lúa, nhưng không thể buộc họ khư khư giữ diện tích trồng lúa để “bảo đảm an ninh lương thực” mà không đủ ăn, không giàu lên hay không trang trải được chi phí ăn học cho con cái, sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi theo kịp dân thị thành hay người buôn bán.

Hàn Phi Tử - nhà pháp học cổ đại từng nói một câu đơn giản như củ khoai nhưng chứa chân lý muôn đời: “Hãy trồng cỏ thì dê sẽ đến”. Muốn có nhiều lúa gạo xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực, không phải chịu cảnh “hết gạo chạy rông” khốn đốn như thời bao cấp thì hãy làm sao có chính sách, có hỗ trợ để nông dân có thu nhập lợi nhuận chủ yếu từ lúa gạo!

Nhưng các nhà làm chính sách cũng như điều phối, điều hành của ta không - hay chưa làm như thế. Miệng hô hào an ninh lương thực, nêu thành tích xuất khẩu gạo lấy “tiếng” lừng lẫy nhưng nông dân lại không có “miếng”, không được hưởng lợi nhuận tương xứng! Lợi nhuận rơi vào tay nhóm nào, người nào, ai cũng biết, duy nông dân là người biết cuối cùng. Mà có biết cũng không làm sao đòi được phân phối hợp lý lợi nhuận do chính họ làm ra!

Cỏ héo thì dê bỏ đi, đó là chuyện bình thường, không được phép trách ai, cũng không thể dùng biện pháp hành chính mà ép buộc!

Có quyền hành, có bộ máy, nhân danh tập đoàn này, liên hiệp nọ, người ta có thể dễ dàng ăn hớt lợi nhuận của nông dân. Nhưng người ta đã quên chuyện của anh chàng ngốc thịt con gà đẻ trứng vàng. Cái gốc để đảm bảo an ninh lương thực, việc hệ trọng đến tồn vong của quốc gia là nông dân, chủ yếu nông dân trồng lúa. Nói dân là gốc tức là trước hết phải nghĩ tới cái lợi của dân để nuôi kế lâu dài chứ không thể nói suông.

Nông dân trồng lúa cũng như nông dân nói chung, không có nhiều tham vọng. Họ chỉ muốn được cơm ăn áo mặc, con cái học hành tử tế. Họ đâu có chán cây lúa, phụ cây lúa. Mà cây lúa phụ họ. Chính xác hơn, cây lúa thiêng liêng có ngàn năm lịch sử đồng hành với nông dân đâu có lỗi. Nó vẫn trĩu bông vì cuộc sống con người. Nhưng ác thay, hạt lúa mẩy đọng mồ hôi của người nông dân lại nhiều khi rơi “nhầm” quá nhiều vào túi kẻ khác!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem