Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài “Những vụ án oan làm chấn động lịch sử”.
|
Nhiều năm trôi qua nhưng ông Sakae Menda vẫn không thể quên được những ký ức kinh hoàng khi còn ở trong tù
Sống không bằng chết
Sáng sớm ngày 30/12/1948, một tên trộm đã đột nhập vào nhà của vị linh mục ở tỉnh Kumamoto, Kyushu. Bị phát hiện, hắn lạnh lùng xuống tay giết hại cặp vợ chồng linh mục bằng dao và rìu. Hai cô con gái của họ cũng bị thương.
Trong những năm sau chiến tranh, nghèo đói là tình trạng phổ biến ở đất nước Nhật Bản. Kẻ giết người có thể là bất cứ ai nhưng với một người vừa không có tiền vừa không có học thức như Menda bỗng dưng trở thành nghi can hàng đầu khi bị bắt trong một vụ án ăn cắp gạo tưởng chừng không liên quan.
Sakae Menda bị đưa tới đồn cảnh sát và bị tra khảo về việc ăn trộm gạo, nhưng chỉ hai ngày sau đó, cảnh sát bỗng tuyên bố Sakae Menda có thể chính là thủ phạm của vụ án giết vợ chồng linh mục.
Cảnh sát lấy cung Menda trong ba tuần mà không hề có luật sư bảo vệ quyền lợi. Chàng trai 23 tuổi không được ăn, không được uống thậm chí cũng chẳng được ngủ. Anh bị treo ngược lên trần nhà và bị đánh bằng gậy tre. Anh môt mực kêu oan nhưng chẳng ai để ý đến những lời này. Nhục hình được sử dụng nhằm ép Menda ký vào bản nhận tội.
Giáng sinh năm 1951, Sakae Menda bị kết tội giết người và phải chịu mức án tử hình, áp lực từ phía dư luận đối với cảnh sát cũng nhờ đó mà dịu xuống.
Menda bắt đầu những ngày tháng kinh hoàng của một tử tù trong căn phòng 5m2 đơn độc luôn sáng bất kể ngày đêm và liên tục bị giám sát. Anh bị cả gia đình bỏ rơi. “Họ chỉ đến 1 lần trước ngày tuyên án. Ngay cả sau khi tôi nộp đơn kêu oan và gửi thư, họ cũng không hề tin rằng tôi vô tội”, Menda nhớ lại. Về sau, qua một người bạn tới nói chuyện, họ có tới gặp anh 1 lần nữa và đó cũng là lần cuối cùng.
Menda kể về lần đầu tiên trong đời nghe thấy tiếng bạn tù bị kéo lên giá treo cổ. Đó là nỗi ám ảnh mà Menda mô tả “làm cho tôi phát điên” và khiến anh la hét dữ dội đến mức bị trừng phạt bằng cách còng tay suốt 2 tháng liền và phải ăn như một con vật.
Mỗi ngày, sau khoảng thời gian ăn sáng từ 8h đến 8h30, đội thi hành án sẽ gọi tên bất kỳ người nào đến ngày phải ra đi. “Lính canh có thể dừng lại ở bất kỳ cửa phòng nào, trái tim của bạn sẽ đập liên hồi và sau đó, nếu họ di chuyển qua chỗ bạn, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng mình còn sống thêm 1 ngày nữa”, Menda mô tả thứ cảm giác kinh hoàng mà mình từng trải qua trong suốt bao nhiêu năm.
“Những người đàn ông sẽ hét lên khi họ bị đưa đi: “Tôi đi trước đây, hẹn gặp lại mọi người”. Không có từ nào có thể mô tả cảm xúc của cả người ra đi và người ở lại”. Trong thời gian ở tù, Menda đã chứng kiến hàng chục tù nhân bỏ mạng như thế.
Nụ cười trở lại
Trong tù, Menda bắt đầu nghiên cứu Thiên Chúa giáo, đọc Kinh Thánh bằng những cuốn sách dịch sang chữ nổi Braille cho người mù và sống dựa vào đức tin.
Không chịu ngồi yên chờ chết, Menda liên tục làm đơn kháng cáo. Sau đó, ông may mắn được một luật sư giúp đỡ về mặt pháp lý. Ngày 27/9/1979, phiên tòa xét xử bị cáo Sakae Menda được mở lại. Lần này, tòa chịu nghe tường trình của các nhân chứng cho thấy Menda có chứng cứ ngoại phạm. Đồng thời, những người tham gia điều tra năm đó đã thừa nhận họ đã che giấu bằng chứng cho thấy ông không có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ giết người và ép cung bị cáo.
Ngày 15/7/1983, phiên tòa với sự tham dự của 80 thẩm phán đã tuyên bố bị cáo Sakae Menda trắng án. Cùng với đó, Menda, khi đó đã 54 tuổi, trở thành tử tù đầu tiên ở Nhật Bản chịu oan sai suốt 34 năm và cuối cùng cũng được minh oan.
Đổi lại cho những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời bị giam cầm sau song sắt, Chính phủ Nhật đã đền bù cho Menda với mức 7000 Yên một ngày trong tù, tổng cộng ông nhận được 90 triệu Yên. Menda đã trích một nửa số đó cho chiến dịch xóa bỏ án tử hình ở Nhật và cũng từng dẫn đầu phái đoàn Nhật tham dự Hội nghị thế giới lần thứ nhất chống án tử hình diễn ra tại thành phố Strasbourg (Pháp) do Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu tổ chức năm 2001.
---------------------------------------------
Ở tuổi 14, Steven Truscott là tử tù trẻ nhất trong lịch sử ngành tư pháp Canada khi bị buộc tội cưỡng hiếp rồi giết hại người bạn học và chỉ được minh oan sau gần 50 năm sống trong tủi nhục.
Hành trình tìm lại công lý của Steven diễn ra như thế nào? Mời độc giả đón đọc "Nỗi oan của tử tù trẻ nhất lịch sử tư pháp Canada", vào 4h ngày 24/2/2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.