Sinh năm 1973 tại tiểu bang Michigan, Larry Page là con trai của của một vị giáo sư chuyên ngành khoa hoc máy tính và trí tuệ nhân tạo. 41 năm sau, cậu bé Larry Page ngày nào đã trở thành nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Google – một trong những công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới, đồng thời trở thành tỷ phú giàu thứ 18 thế giới với khối tài sản trị giá khoảng 32,8 tỷ USD.
Vào năm 2007, Larry Page, cùng với Sergey Brin (nhà đồng sáng lập Google) được tạp chí PC World bình chọn là nhân vật quan trọng số một trong số 50 người quan trọng nhất của thế giới công nghệ. Vậy, điều gì đã làm nên một Google khổng lồ và một Larry Page thành công như ngày hôm nay?
"Gã người ngoài hành tinh"
Khi Martin Sorrell, CEO của Tập đoàn quảng cáo WPP Group, đến thăm Google vào mùa thu năm 2012, Larry Page đã điều chiếc xe đặc biệt đi đón khách tại khách sạn Rosewood cách đó hơn 30km.
Ẩn trong vẻ ngoài bình thường của một chiếc Lexus SUV là hệ thống tự lái với một loạt thiết bị hỗ trợ công nghệ cao radar, cảm biến, máy quét laser có thể thực hiện 1,5 triệu lượt đo mỗi giây.
Fortune mô tả trong khoảng 20 phút, chiếc Lexus đã "lạng lách", rẽ cua, giảm tốc độ hoặc vượt qua những xe khác một cách chính xác trên xa lộ I-280 và khu vực đông đúc State Route 85. 'Thật không thể tin được', Sorrell sau đó đã chia sẻ sự thán phục.
Dự án xe không người lái không phải là thú tiêu khiển hạng sang của Page. Ông tin đây là tương lai của giao thông.
Trong khi nhiều người nghĩ ý tưởng này ngớ ngẩn, nguy hiểm và chẳng có gì thú vị, Page lại đón nhận những ý kiến đó một cách bình thản với niềm tin dự án của mình khi hoàn thiện sẽ mang đến sự an toàn cho con người.
Khi được lập trình điều khiển, xe sẽ lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và chi phí. Và đây chính là điều làm nên sự khác biệt của Larry Page - doanh nhân vốn được coi là 'gã người ngoài hành tinh đầy tham vọng".
Đam mê công nghệ từ khi mới lên 6
Đó có thể là một điều hết sức bình thường trong thời đại hiện nay, tuy nhiên ở thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, ngay cả với một đất nước có nền khoa học phát triển bậc nhất là Mỹ thì máy tính vẫn là một khái niệm hết sức mới mẻ. Larry Page có thể coi là may mắn hơn so với bạn bè cùng trang lứa khi được tiếp xúc với máy tính và công nghệ hiện đại từ khi còn rất nhỏ. Niềm đam mê công nghệ của cậu bé Larry được “truyền lửa” khi có cha là giáo sư chuyên ngành khoa hoc máy tính và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Tiểu bang Michigan.
Theo như Larry chia sẻ, ông bắt đầu làm quen với máy tính từ năm 6 tuổi. Khi đó, cha ông, giáo sư Carl Victor Page, là người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học máy tính. Giáo sư Page thường vứt những vật dụng công nghệ “tạp nham” ở khắp mọi nơi trong nhà, khiến ngôi nhà luôn bị xáo trộn bởi những thiết bị máy tính và các tạp chí khoa học. Chính điều này đã kích thích trí tò mò của Larry. Cậu bé thường băn khoăn không biết mình nên làm gì và chơi gì với những đồ vật xung quanh. Sau đó, Larry bắt đầu tìm hiểu, xem xét cách thức làm việc của “những thứ tạp nham”đó và cậu trở thành người đầu tiên trong lớp nộp bài luận bằng máy đánh chữ cá nhân. Đến năm 12 tuổi, Larry Page đã nảy sinh ý tưởng thành lập công ty cho riêng mình.
Tỷ phú Larry Page - đồng sáng lập Google, CEO Anphabet, vừa được Tạp chí Forbes vinh doanh là doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2015...
Từ bài luận văn đến việc thay đổi cả thế giới công nghệ
“Một bài luận văn có thể tạo nên sự nghiệp của người viết” – đó là câu mà giáo sư Carl Victor Page đã nói với Larry khi anh chuẩn bị viết luận văn. Và dường như, điều này hoàn toàn đúng đối với Larry Page.
Sau khi đã tham khảo các ý kiến, Page nhận thấy mình bị thu hút bởi World Wide Web nhờ tính chất toán học thú vị ẩn chứa trong đó. Mỗi máy tính đều có một điểm nút (node) và mỗi đường liên kết trên một trang web lại có một kết nối giữa các điểm nút - đây là một cấu trúc đồ thị khổng lồ. World Wide Web, theo Page lý luận, có thể là một đồ thị lớn nhất trên trái đất và nó đang phát triển ở tốc độ rất nhanh. Từ đó, ông bắt đầu suy nghĩ về các đường liên kết cấu trúc của Web.
Tháng 1/1996, Page bắt tay thực hiện dự án công cụ tìm kiếm đầu tiên mang tên BackRub. Lúc đó, World Wide Web đã có khoảng 10 triệu trang khác nhau, vì vậy, nhu cầu nguồn lực để nhập tất cả các thông tin này là rất lớn. Larry Page, cùng với Sergey Brin đã có bước đột phá khi tạo ra PageRank - một thuật toán được dùng để chuyển đổi các dữ liệu backlink đến các trang xếp hạng. Ngay lập tức, BackRub trở thành một công cụ tìm kiếm hữu hiệu và là tiền thân của Google ngày nay.
Từng sử dụng garage ô tô làm trụ sở chính của Google
Một thời gian sau khi Google. Inc. được thành lập, cả hai nhà đồng sáng lập quyết định di dời “đia bàn hoạt động” ra khỏi ký túc xá của Larry Page. Địa điểm được chọn chính là một nhà để xe tại thành phố Menlo Park, thuộc tiểu bang California.
Tại “văn phòng” làm việc mới, Larry Page – đóng vai trò là giám đốc điều hành, cùng với Sergey Brin – chủ tịch của Google đã thực hiện mục tiêu “ tổ chức và sắp xếp lại thông tin và làm cho chúng dễ dàng tiếp cận”. Google dần lớn mạnh và bắt đầu thu về lợi nhuận. Và chỉ sau hơn một năm, đến tháng 2 năm 1999, công ty tiếp tục phải chuyển địa điểm đến Palo Alto vì số lượng nhân viên đã tăng lên 8 người. Lúc này, Google đã có hơn 500.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Tham vọng lớn
Tại “nhà máy” cải tiến Google X – nơi hãng công nghệ Google đang phát triển ô tô tự lái và khinh khí cầu kết nối internet – lan truyền một câu chuyện về Larry Page. Đó là một ngày nọ, có một nhà khoa học bước vào văn phòng của Page để khoe phát minh mới nhất của anh ta: cỗ máy thời gian. Khi nhà khoa học này với tay lấy dây nối nguồn điện để bắt đầu demo cho Page xem, Page đã “phán” ngay: “Phát minh gì mà lại phải cắm dây mới dùng được”?
Câu chuyện này cho thấy tinh thần cải tiến công nghệ của Larry Page, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Google. Ông không phải là người đi trước các nhà khoa học của mình một bước mà đứng đằng sau thúc giục để họ luôn tiến nhanh về phía trước. Khi người đứng đầu dự án khinh khí cầu kết nối internet đến trình bày trước Page rằng, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Google có thể sẽ nâng được băng thông internet toàn cầu lên 5%, ông hỏi ngay: tại sao không thể tăng gấp đôi, gấp ba lần mà chỉ là 5%?
“Ông ấy muốn đảm bảo rằng, phải liên tục có sự đột phá về công nghệ. Khi tham vọng của ông cao như thế, điều đó cũng nhắc nhở chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, Astro Teller, người đứng đầu Google X nói.
Theo Forbes, Larry Page là một trong những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới, dù với công việc tại Google, trong suốt 10 năm qua, Page chỉ nhận lương 1 USD.
Nhận mức lương 1 USD/ năm ở Google
Năm 2005, hai nhà đồng sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin cùng CEO đương nhiệm là Eric Schmidt đã tự nguyện giảm lương của mình xuống 1 USD/năm và không nhận bất cứ đồng tiền thưởng nào. Thu nhập của họ phụ thuộc chủ yếu vào giá trị tài sản của công ty trên thị trường chứng khoán. Giờ đây, Chủ tịch Schmidt đã nhận lương vài triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên Sergey Brin và Larry Page vẫn duy trì mức thu nhập cũ từ năm 2005.
Những dự án vượt thời gian
Trong năm qua, Google đã đầu tư rất mạnh vào trí tuệ nhân tạo, người máy, dự án giao hàng bằng máy bay không người lái. Công ty cũng bành trướng mạnh bộ phận đầu tư mạo hiểm của mình, vốn đã đầu tư vào hàng trăm công ty mới thành lập. Bộ phận này đóng vai trò như một cánh tay vươn ra ngoài Google để thăm dò, tìm kiếm các ý tưởng mới. Google đã mua lại Nest với giá 3,2 tỷ USD để theo đuổi giấc mơ về một ngôi nhà thông minh hoàn toàn được điều khiển tự động. Công ty cũng rót hàng trăm triệu USD vào Calico, một công ty công nghệ sinh học mà Google đã ươm mầm, nhằm tìm kiếm các phương cách kéo dài tuổi thọ con người. Google cũng đã bắt đầu thương mại hóa kính áp tròng giúp theo dõi lượng gluco trong máu. Mục đích của Page là tiếp tục làm biến đổi thế giới theo những cách… không ai tưởng tượng được!
Một số người có thể coi những dự án cải tiến của Google chỉ là một giấc mơ viển vông. Nhưng hãy cân nhắc điều này: khi công ty lần đầu tiên tiết lộ đang nghiên cứu phát triển loại xe không người lái vào năm 2010, hầu như không ai ngó ngàng tới. Thế nhưng bốn năm sau, hình hài xe tự lái đã gần như hiển hiện và ngành ôtô đang bỏ ra hàng tỷ USD vào công nghệ “tự lái” này để có thể bắt kịp Google.
“Những gì ông ấy đang làm thực sự khiến người ta kinh ngạc. Chúng tôi chưa từng thấy một nhà lãnh đạo doanh nghiệp như thế kể từ thời Thomas Edision tại GE hoặc David Packard tại hãng máy tính HP”, Ben Horowitz, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Andreesen Horowitz, nhận xét.
Nhiều khoản đầu tư hiện tại của Page cũng được xem là những khoản đặt cược đảm bảo cho tương lai của Google, để phòng khi hoạt động kinh doanh của mảng quảng cáo tìm kiếm không còn thuận lợi. “Google sẽ không đáng giá đến thế nếu hãng không “đặt cược” một cách thông minh vào các thiết bị mang trên người, nhà thông minh và ôtô”, Mark Mahaney, chuyên gia phân tích tại RBC Capital Markets, nhận xét.
Dù ai khen chê thì Larry Page cũng không quan tâm đến. Ông nói, đơn giản chỉ là vì ông bị thôi thúc bởi một khao khát tạo nên ảnh hưởng tích cực nào đó đối với thế giới. Page cũng muốn Google tiếp tục thu hút những nhân tài xuất sắc nhất để ông có thể xây dựng nên một công ty hoàn toàn mới – một công ty dẫn đầu cuộc chơi không chỉ 10 năm hay 20 năm mà có lẽ là cả nhiều thế hệ sau đó.
Trèo lái con thuyền Google “vượt biển” và trở thành tỷ phú thế giới
Năm 2004, giá trị cổ phiếu của Google trên thị trường tăng 1,67 tỷ USD, nâng tổng vốn chủ sở hữu lên 23 tỷ USD và đưa Larry Page trở thành tỷ phú ở tuổi 30. Đến năm 2006, Google có trên 10.000 nhân viên và doanh thu hàng năm đạt ngưỡng 10 tỷ USD.
Là một doanh nhân thành công và giàu có, nhưng Larry Page vẫn có một cuộc sống hết sức giản dị. Ông đi xe ô tô điện, kêu gọi và tổ chức các chiến dịch bảo vệ môi trường cùng với người bạn thân Sergey Brin. Tháng 12/2007, Larry kết hôn với Lucy Southworth, một cô gái thông minh, xinh đẹp và giỏi giang và là tình yêu “sét đánh” của ông ở trường Đại học Stanford.
Giờ đây, Larry Page được coi là linh hồn của một công ty có giá trị lớn thứ 2 thế giới, khoảng hơn 470 tỷ USD. Theo Forbes, bản thân ông cũng là một trong những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới, dù với công việc tại Google, trong suốt 10 năm qua, Page chỉ nhận lương 1 USD.
Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.